Vi phạm một số điều khoản khi livestream trên Facebook có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trên nền tảng này. Vì vậy, nếu bạn đang kinh doanh các mặt hàng online trên Facebook, hãy nhanh chóng cập nhật những quy định livestream trên Facebook quan trọng trong bài viết dưới đây của Sapo Blog để tránh những vi phạm không đáng có nhé!
1. Một số hệ quả bạn sẽ phải nhận nếu vi phạm quy định livestream trên Facebook
Vi phạm quy định livestream trên Facebook có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài khoản, uy tín của cửa hàng. Dưới đây là 4 hệ quả chính mà bạn có thể sẽ gặp phải nếu vi phạm quy định livestream trên Facebook:
- Khóa hoặc xóa tài khoản: Facebook có thể khóa hoặc xóa tài khoản của bạn vĩnh viễn nếu phát hiện ra hành vi vi phạm nghiêm trọng như phát tán nội dung cấm hoặc tin giả, sai sự thật. Điều này không chỉ khiến bạn mất quyền truy cập vào nền tảng mà còn ảnh hưởng đến các trang kinh doanh khác có liên kết với tài khoản. Nếu tài khoản bị xóa vĩnh viễn, việc khôi phục lại tài khoản là điều gần như không thể, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh cũng như mất đi một lượng khách hàng tiềm năng.
- Hạn chế hoặc cấm livestream: Nếu tài khoản của bạn vi phạm không quá nghiêm trọng, Facebook có thể sẽ giảm nhẹ hình phạt như cấm phát trực tiếp trong một khoảng thời gian. Sự gián đoạn này cũng có thể khiến người theo dõi giảm dần hứng thú với kênh của bạn, từ đó làm giảm tương tác và doanh số bán hàng của cửa hàng.

- Tổn hại đến uy tín của cửa hàng: Những vi phạm liên quan đến livestream có thể làm xấu đi hình ảnh của thương hiệu bạn trong mắt khách hàng. Nếu người theo dõi cảm thấy bạn cung cấp nội dung kém chất lượng, họ có thể ngừng theo dõi, ngừng ủng hộ cửa hàng của bạn. Uy tín bị giảm sút không chỉ gây ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng hiện tại mà còn làm mất đi nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
- Có khả năng bị khiếu nại từ bên thứ ba: Nếu nội dung livestream vi phạm bản quyền, quyền riêng tư hoặc các quy định pháp lý khác, bạn có thể sẽ đối mặt với các khiếu nại từ cá nhân hoặc doanh nghiệp có liên quan. Việc bị kiện hoặc chịu phạt có thể khiến bạn mất nhiều thời gian, công sức và chi phí pháp lý để giải quyết. Trong một số trường hợp, điều này còn có thể dẫn đến các hình phạt tài chính hoặc bị cấm hoạt động kinh doanh trên nền tảng Facebook.
2. Livestream trên facebook cần đảm bảo những quy định gì?
Facebook Live là công cụ giúp các chủ shop kinh doanh online dễ dàng tiếp cận với khách hàng trên nền tảng số, từ đó nâng cao doanh thu cho cửa hàng. Tuy nhiên, để tránh gặp sự cố hay vi phạm quy định livestream trên Facebook, cửa hàng của bạn cần tuân thủ theo các yêu cầu kỹ thuật và nội dung do Facebook đề ra:
2.1 Quy định về kỹ thuật video khi livestream trên Facebook
Nền tảng Facebook có đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cụ thể để đảm bảo chất lượng livestream ổn định và mang đến cho người xem trải nghiệm tốt nhất:
Độ phân giải và tốc độ khung hình:
Chất lượng video | Độ phân giải | Tốc độ khung hình(fps/s) | Khoảng tốc độ bit (Kb/s) |
Full HD (1080p) | 1920x1080 | 60 | 4.500-9.000 |
Full HD (1080p) | 1920x1080 | 30 | 3.000-6.000 |
HD (720p) | 1280x720 | 60 | 2.250-6.000 |
HD (720p) | 1280x720 | 30 | 1.500-4.000 |
SD (480p) | 854x480 | 30 | 600-2.000 |
Low (360p) | 640x360 | 400-1.000 |
Lưu ý: Không nên sử dụng tốc độ bit quá 15 Mb/giây vì có thể làm gián đoạn livestream.
Giao thức: Phát trực tiếp bằng RTMPS (Real-Time Messaging Protocol Secure)

Codec của video:
- H.264, cấp độ 4.1 cho 1080p với 30fps
- H.264, cấp độ 4.2 cho 1080p với 60fps
- API Live chỉ dành cho video được mã hóa bằng H.264 và âm thanh được mã hóa bằng ACC. Ngoài ra các định dạng khác có thể bị Facebook từ chối.
Thời lượng video: Tối đa 8 giờ
Loại khung: Quét lũy tiến
Tỷ lệ khung hình pixel: 16:9
Tốc độ lấy mẫu 44,1 kHz hoặc 48 kHz
Bố cục kênh: Stereo
Codec âm thanh: AAC ít phức tạp
Tốc độ bit âm thanh: 128 Kb/giây (khuyến nghị) đến 256 Kb/giây (tối đa)
Việc hiểu và tuân thủ các quy định livestream trên Facebook sẽ giúp chủ shop livestream hiệu quả, tránh bị giới hạn hoặc mất quyền truy cập vào tính năng quan trọng này trên nền tảng này.
2.2 Quy định về nội dung phát video
Bên cạnh các yêu cầu kỹ thuật, nội dung cũng phải tuân theo các chính sách, quy định livestream của Facebook để tránh bị xóa video, hạn chế hiển thị hoặc bị khóa tài khoản. Mọi livestream trên Facebook cần tuân thủ theo các quy định sau về nội dung video:
- Chính sách về Facebook Live: Bạn không được phát nội dung khiến người xem hiểu lầm về tính thời gian thực của video, chẳng hạn như phát lại sự kiện cũ giả làm đang diễn ra. Facebook cũng cấm gian lận về vị trí, như tuyên bố video đang quay ở Mỹ trong khi thực tế ở quốc gia khác. Đối với nội dung kết hợp giữa trực tiếp và quay sẵn, bạn phải đánh dấu rõ ràng phần quay sẵn bằng đồ họa hoặc tuyên bố miễn trừ trách nhiệm trong tiêu đề/mô tả. Facebook không cho phép phát trực tiếp video lặp lại, ảnh tĩnh hoặc chỉ hiển thị cuộc thăm dò ý kiến.
- Nguyên tắc về nhạc: Khi sử dụng nhạc trong livestream Facebook, bạn phải đảm bảo có đầy đủ quyền sử dụng hợp pháp đối với mọi bản nhạc xuất hiện trong nội dung. Facebook không cho phép sử dụng nhạc cho mục đích thương mại hoặc phi cá nhân nếu không có giấy phép phù hợp. Nếu bạn đăng nội dung chứa nhạc mà người khác sở hữu, nội dung đó có thể bị chủ sở hữu bản quyền yêu cầu chặn, tắt tiếng hoặc gỡ bỏ. Đặc biệt, Facebook nghiêm cấm việc sử dụng livestream để tạo trải nghiệm nghe nhạc, vi phạm có thể dẫn đến việc xóa trang hoặc tài khoản của bạn.

- Tiêu chuẩn cộng đồng: Khi thực hiện livestream trên Facebook, bạn phải tuân thủ các Tiêu chuẩn cộng đồng dựa trên bốn giá trị cốt lõi. Tính xác thực: không được giả mạo hoặc xuyên tạc thông tin trong buổi phát trực tiếp; An toàn: Không được đăng nội dung đe dọa, bạo lực hoặc có thể gây nguy hiểm cho người khác; Quyền riêng tư: phải tôn trọng thông tin cá nhân và không chia sẻ dữ liệu riêng tư của người khác khi livestream. Phẩm giá: phải đối xử với mọi người bình đẳng, không quấy rối hoặc hạ thấp người khác trong buổi phát trực tiếp. Facebook có thể xóa nội dung vi phạm hoặc hạn chế tài khoản không tuân thủ các nguyên tắc này.
- Điều khoản dịch vụ: Khi thực hiện livestream, bạn phải tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng, không phát nội dung vi phạm, gây hại hoặc bất hợp pháp. Facebook sử dụng công nghệ AI và đội ngũ giám sát để phát hiện vi phạm, có quyền gỡ bỏ nội dung, hạn chế quyền truy cập hoặc vô hiệu hóa tài khoản vi phạm nghiêm trọng.
Xem thêm: 5+ Mẫu kịch bản livestream bán quần áo X4 hiệu suất chốt đơn
3. Bị Facebook phạt vì livestream vi phạm chính sách, bạn cần làm gì?
Dưới đây là một số hướng xử lý khi tài khoản của bạn “dính gậy” từ Facebook:
3.1 Có vi phạm
Nếu bạn nhận được thông báo phạt từ Facebook vì livestream vi phạm chính sách, điều đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân gây ra vi phạm. Một số lý do phổ biến có thể bao gồm việc sử dụng nhạc có bản quyền mà không có giấy phép, phát sóng nội dung vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng như bạo lực hay tin giả hoặc bán hàng hóa bị cấm.
Để khắc phục, hãy nhanh chóng điều chỉnh nội dung livestream của bạn, thay thế nhạc bản quyền bằng nhạc miễn phí từ Thư viện Âm thanh của Facebook và đảm bảo rằng nội dung không chứa yếu tố nhạy cảm.

Nếu bạn đã thực sự vi phạm, hãy nghiêm túc xem xét các quy định của Facebook và điều chỉnh hành vi livestream trong tương lai. Nếu bị áp dụng lệnh cấm livestream tạm thời, hãy tận dụng thời gian này để tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách của Facebook. Điều này sẽ giúp bạn tránh tái phạm và duy trì hoạt động livestream hiệu quả.
3.2 Bị nhầm vi phạm
Trong trường hợp bạn tin rằng Facebook đã xử lý sai và không có hành vi vi phạm nào xảy ra, bạn có quyền gửi khiếu nại. Để thực hiện điều này, hãy truy cập vào Trung tâm Hỗ trợ, tìm kiếm video bị phạt và chọn tùy chọn khiếu nại. Trong phần khiếu nại, bạn cần cung cấp lý do cụ thể cùng với bằng chứng chứng minh rằng bạn không vi phạm chính sách. Facebook sẽ xem xét và phản hồi trong vòng 24 giờ đến vài ngày.

Tuy nhiên, nếu tài khoản của bạn đã từng vi phạm nhiều lần trước đó, khả năng khôi phục livestream sẽ thấp hơn. Do đó, việc giữ gìn uy tín và tuân thủ các quy định của Facebook là rất quan trọng để tránh những rắc rối không đáng có trong tương lai.
Xem thêm: 11+ cách tải video livestream trên Facebook free [Update 2025]
Livestream trên Facebook là một công cụ mạnh mẽ giúp nhà bán hàng tiếp cận khách hàng và tăng doanh thu. Tuy nhiên, để tránh bị phạt, các chủ shop cần tuân thủ chặt chẽ các quy định livestream trên Facebook mà Sapo đã chia sẻ trong bài viết trên, hy vọng các chủ shop có thể nắm bắt thông tin kịp thời để livestream thành công, bùng nổ doanh số.