Bạn muốn kinh doanh đồ ăn vặt siêu lợi nhuận nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Bài viết này sẽ chia sẻ bí mật thành công, từ việc lên ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh chi tiết đến những món ăn vặt hot nhất hiện nay. Hãy đọc ngay để biến giấc mơ kinh doanh của bạn thành hiện thực!
1. Tại sao nên chọn kinh doanh đồ ăn vặt?
Kinh doanh đồ ăn vặt là lĩnh vực tiềm năng với nhiều lợi thế nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức.
Ưu điểm
- Nhu cầu cao: Đồ ăn vặt là món ăn phổ biến, được yêu thích bởi nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến nhân viên văn phòng.
- Vốn đầu tư thấp: Khởi nghiệp kinh doanh đồ ăn vặt không yêu cầu vốn lớn, bạn có thể bắt đầu với một không gian nhỏ và thiết bị đơn giản.
- Dễ dàng tiếp cận khách hàng: Các kênh truyền thông xã hội và marketing online hỗ trợ bạn quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả.
- Tiềm năng lợi nhuận cao: Mặc dù chi phí nguyên liệu thấp, bạn có thể bán với giá cao hơn gấp nhiều lần, mang lại lợi nhuận tốt. Thời gian thu hồi vốn cũng khá nhanh.
- Khả năng sáng tạo: Bạn có thể tự do sáng tạo và đổi mới các món ăn vặt theo xu hướng thị trường, từ đó thu hút khách hàng.
Nhược điểm
- Cạnh tranh cao: Thị trường đồ ăn vặt có nhiều đối thủ cạnh tranh, đòi hỏi bạn phải có chiến lược marketing và sản phẩm độc đáo để nổi bật.
- Chi phí vận hành: Mặc dù vốn đầu tư ban đầu thấp, nhưng chi phí cho nguyên liệu, nhân công, và quảng cáo có thể chiếm một phần lớn trong ngân sách, ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối cùng.
- Rủi ro về an toàn thực phẩm: Kinh doanh thực phẩm luôn tiềm ẩn rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn cần đảm bảo rằng nguyên liệu và quy trình chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn để tránh các vấn đề pháp lý và bảo vệ sức khỏe khách hàng.
- Thay đổi xu hướng tiêu dùng: Sở thích và xu hướng tiêu dùng có thể thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi bạn phải thường xuyên cập nhật và điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với thị trường.
2. Mới bắt đầu kinh doanh đồ ăn vặt thì cần những gì?
2.1 Lên ý tưởng kinh doanh
Chọn món ăn đặc trưng
Nghiên cứu thị trường: Tìm hiểu các món ăn vặt phổ biến trong khu vực và xu hướng ẩm thực hiện tại. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ bạn bè, người thân hoặc khách hàng tiềm năng.
Bí quyết chọn món ăn vặt thu hút khách hàng: Nhóm khách hàng chính là giới trẻ. Họ thường yêu thích sự mới mẻ, trải nghiệm các món ăn đa dạng, tiện lợi. Với học sinh, sinh viên và những người đi làm trẻ, thu nhập còn hạn chế, vì vậy các món ăn vặt cần phải đảm bảo tính kinh tế, tức là vừa ngon miệng, hấp dẫn nhưng vẫn phù hợp với túi tiền. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn một hoặc một vài món ăn đặc trưng mà bạn có thể làm tốt và khác biệt so với đối thủ. Ví dụ:
Các món ăn theo mùa, như món lạnh cho mùa hè hay món nóng cho mùa đông, luôn có sức hút đặc biệt:
Bánh tráng trộn: Có thể thêm các nguyên liệu độc đáo như sốt me, trứng cút, hoặc các loại rau củ tươi ngon.
Chân gà nướng: Sáng tạo với các loại sốt độc quyền hoặc gia vị đặc biệt.
Trà sữa: Cung cấp nhiều hương vị và topping phong phú, từ trân châu đến thạch trái cây.
Đặt tên quán ấn tượng
Ngắn gọn và dễ nhớ: Chọn một cái tên ngắn gọn, dễ phát âm và dễ nhớ để khách hàng có thể dễ dàng chia sẻ với người khác. Ví dụ: "Vị Ngon Quán", "Snack Corner".
Phản ánh món ăn: Tên quán nên liên quan đến món ăn bạn phục vụ hoặc phong cách của quán. Ví dụ: "Chân Gà Nướng Ngon Nhức Nách", "Bánh Tráng Dẻo".
Sáng tạo và độc đáo: Tìm kiếm những từ ngữ hoặc cụm từ độc đáo có thể gây ấn tượng với khách hàng. Bạn có thể sử dụng từ ngữ vui nhộn hoặc chơi chữ để tạo sự khác biệt.
Xây dựng thương hiệu riêng
Thiết kế logo và bộ nhận diện thương hiệu: Tạo một logo đơn giản nhưng ấn tượng và dễ nhận diện. Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm màu sắc, kiểu chữ, và phong cách thiết kế sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận ra quán của bạn.
Xây dựng câu chuyện thương hiệu: Tạo ra một câu chuyện thú vị về quán của bạn, như nguồn gốc món ăn, quá trình sáng tạo, hoặc niềm đam mê với ẩm thực. Điều này giúp khách hàng cảm thấy kết nối và ủng hộ thương hiệu hơn.
2.2 Lập kế hoạch kinh doanh
Xác định đối tượng khách hàng
Khi kinh doanh đồ ăn vặt, việc hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là yếu tố then chốt. Nhóm khách hàng tiềm năng từ 10 đến 25 tuổi, bao gồm học sinh, sinh viên và một phần nhỏ là người mới đi làm, có niềm đam mê đặc biệt với các món ăn vặt. Họ luôn tìm kiếm những món ăn ngon, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận và thường xuyên truy cập mạng xã hội để khám phá các địa điểm ăn uống mới mẻ, độc đáo. Bạn có thể tiến hành khảo sát hoặc phỏng vấn để thu thập ý kiến về sở thích và món ăn ưa chuộng từ khách hàng tiềm năng quanh khu vực kinh doanh.
Cụ thể, với nhóm khách hàng từ 10 đến 15 tuổi, học sinh thường ưa thích những món ăn mềm, ít cay, có màu sắc bắt mắt. Để thu hút sự quan tâm của nhóm này, bạn có thể kết hợp tặng kèm đồ chơi hoặc quà tặng nhỏ, không chỉ tạo niềm vui cho các em mà còn giúp tăng thêm doanh thu từ việc bán các món đồ phụ trợ.
Còn với nhóm khách hàng từ 15 đến 25 tuổi, họ có xu hướng yêu thích các món ăn giòn, đậm đà và phong phú về hương vị. Nhóm này thường đi theo nhóm bạn bè, vì vậy bạn nên tạo ra không gian thoải mái, phù hợp để họ có thể giao lưu và trao đổi cùng nhau, làm tăng tính trải nghiệm và thu hút thêm khách hàng.
Chọn địa điểm kinh doanh hợp lý
Để thu hút được lượng khách hàng ổn định, một vị trí có lượng người qua lại đông, chẳng hạn như gần trường học, khu công nghiệp hay trung tâm thương mại, sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, việc đánh giá lưu lượng người qua lại vào các thời điểm khác nhau trong ngày và tuần sẽ giúp bạn xác định tiềm năng hoạt động kinh doanh tại khu vực đó.
Đối với đối tượng khách hàng chính là học sinh, sinh viên từ 10 đến 25 tuổi, những nơi họ tập trung đông như gần trường học, trung tâm giáo dục, hoặc các lớp học thêm, kí túc xá sẽ là vị trí lý tưởng.
Nếu bạn có sẵn mặt bằng, đó là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, nếu phải thuê mặt bằng, hãy xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là ký hợp đồng dài hạn để tránh bị thay đổi giá thuê sau này.
Tầm nhìn tốt, không gian rộng rãi và dễ tiếp cận sẽ gia tăng đáng kể khả năng ghé thăm quán. Nếu khách hàng của bạn cần di chuyển bằng phương tiện cá nhân, hãy ưu tiên những nơi có bãi đậu xe tiện lợi hoặc gần các bãi xe công cộng.
Ngoài ra, đặt quán gần các doanh nghiệp có thể thu hút cùng tệp khách hàng, như quán cà phê, cửa hàng tạp hóa,...
Vốn đầu tư cần thiết
Tổng vốn đầu tư để mở một quán đồ ăn vặt có thể dao động từ khoảng 40 triệu đến 100 triệu đồng.
Chi phí thuê mặt bằng có thể dao động từ 5 triệu đến 50 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào vị trí và quy mô của quán. Những địa điểm đắc địa như mặt tiền đường lớn thường có giá thuê cao hơn so với các khu vực trong ngõ hẻm.
Bạn cần chuẩn bị một khoản tiền để đặt cọc và có thể phải chi thêm cho việc sửa chữa hoặc nâng cấp mặt bằng nếu cần thiết.
Chi phí cho bàn ghế, quầy tính tiền, và các thiết bị cần thiết khác có thể từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, tùy thuộc vào phong cách và quy mô quán.
Chi phí cho nguyên liệu chế biến món ăn vặt có thể dao động từ 10 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào loại món ăn bạn phục vụ và quy mô kinh doanh.
Ngoài ra, sẽ có một số chi phí khác phát sinh như thuê nhân viên, quảng cáo,... có thể từ 3 triệu đến 10 triệu đồng. Đồng thời, bạn nên có một khoản dự phòng để xử lý các chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh, khoảng 10-20% tổng vốn đầu tư ban đầu là hợp lý.
Cách lên thực đơn thu hút khách hàng
Khi xây dựng thực đơn cho quán đồ ăn vặt, bạn cần cân nhắc đến sự đa dạng, hương vị, và giá cả hợp lý để thu hút khách hàng.
Lựa chọn các món ăn vặt được ưa chuộng như chân gà nướng, khoai tây chiên, bánh tráng trộn, trà sữa,.. Để tạo sự khác biệt, bạn có thể biến tấu món ăn với các công thức riêng từ công thức truyền thống hoặc phục vụ món theo mùa. Tạo sự đa dạng về hương vị, kết cấu và hình thức trình bày để mang lại trải nghiệm ăn uống thú vị cho khách hàng.
Số lượng các món càng nhiều, càng đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các khách hàng ngày nay. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải đảm bảo đáp ứng được cả về yếu tố chất và lượng khi kinh doanh đồ ăn vặt để kéo khách hàng quay lại quán. Ví dụ như: Kết hợp các món ăn độc đáo lại thành 1 combo
Ví dụ: Combo ăn vặt số 1: 40.000 VNĐ Gồm 1 phần bánh tráng trộn, 1 phần khoai tây chiên và 1 nước uống bất kỳ. Combo ăn vặt số 2: 50.000 VNĐ Gồm 1 phần chân gà nướng, 1 phần bắp xào và 1 trà sữa.
Thực đơn nên được thiết kế bắt mắt, dễ đọc:
- Sử dụng hình ảnh, minh họa để giới thiệu các món ăn hấp dẫn.
- Sắp xếp thực đơn logic, dễ đọc và dễ hiểu.
- Bố cục thực đơn gọn gàng, trang nhã.
3.3 Quản lý, thu hút khách hàng
Trang trí quán bắt mắt
Với khách hàng từ 10 đến 25 tuổi, quán cần có gu riêng, không gian nên được bố trí sao cho thoáng đãng, trẻ trung và phù hợp với tâm lý khách hàng. Nội thất nên chọn theo phong cách cá tính, hiện đại, có thể kết hợp với tranh vẽ tường, giấy dán tường. Thay đổi trang trí theo mùa hoặc các dịp lễ như Tết, Giáng sinh cũng tạo sự hấp dẫn, giữ chân khách hàng quay lại.
Bạn có thể tham khảo một số phong cách thiết kế độc đáo như:
- Vintage: Sử dụng đồ nội thất cổ điển, ấm cúng với bàn ghế gỗ, đèn cổ điển tạo không gian gần gũi.
- Minimalist: Thiết kế đơn giản, tông màu nhẹ nhàng, nội thất gọn gàng, mang đến sự thoáng đãng.
- Graffiti: Sử dụng tranh tường nghệ thuật đường phố, tạo sự mới mẻ và thu hút cho những góc "sống ảo" của khách hàng.
Trong không gian quán, hãy tận dụng tối đa diện tích, đặc biệt nếu mặt bằng nhỏ.
Phân chia khu vực hợp lý cho nhóm khách đông và khách đi một mình sẽ mang đến cảm giác thoải mái.
Nếu có không gian, bạn nên thêm khu vực ngoài trời với cây xanh để mang đến sự thoải mái, tự nhiên. Trang trí cây cảnh không chỉ tạo điểm nhấn mà còn làm sạch không khí, giúp khách hàng thư giãn.
Đèn neon với các câu slogan vui nhộn hoặc tên món ăn sẽ tạo nét trẻ trung, trong khi ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ lớn giúp không gian sáng sủa hơn. Ngoài ra, bạn nên dành một góc sống ảo được trang trí đặc biệt để khách hàng thoải mái chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội, từ đó lan tỏa hình ảnh của quán. Sử dụng bàn ghế nhỏ gọn, dễ di chuyển giúp tối ưu không gian. Bạn cũng có thể thử bố trí khu ngồi bệt với đệm và thảm để mang lại sự gần gũi, thoải mái cho khách.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Tuân thủ chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm giúp quán ăn vặt vừa đảm bảo sức khỏe khách hàng vừa tránh rủi ro pháp lý. Đào tạo nhân viên về vệ sinh cá nhân, xử lý nguyên liệu và bảo quản thực phẩm để nâng cao kỹ năng. Chọn nguồn nguyên liệu từ nhà cung cấp uy tín và kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng. Khu vực chế biến cần được vệ sinh và khử trùng thường xuyên. Bảo quản thực phẩm theo nguyên tắc "First In, First Out" để tránh hư hỏng và đảm bảo an toàn.
Phần mềm quản lý khi kinh doanh đồ ăn vặt
Một phần mềm quản lý quán ăn vặt tốt sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn sắp bàn cho khách trong một nốt nhạc, phục vụ nhanh và chuyên nghiệp, hạn chế tối đa nhầm lẫn order và người quản lý có thể dễ dàng bao quát nhà hàng.
Lên order cho khách nhanh: Nhân viên phục vụ có thể xem sơ đồ bàn trực quan theo phòng, tầng để xếp bàn cho khách, lấy yêu cầu gọi món của khách ngay trên thiết bị cầm tay như điện thoại, tablet
Không sai sót, nhầm lẫn order: Phiếu gọi món từ nhân viên order sẽ chuyển thẳng đến quầy bar/ bếp và chế biến
Thanh toán chính xác, nhanh chóng: Khi nhân viên phục vụ gửi yêu cầu thanh toán, hóa đơn sẽ được tự động chuyển sang danh sách chờ thanh toán giúp thu ngân dễ dàng biết bàn nào đang cần thanh toán để tính tiền cho khách.
Xem báo cáo kinh doanh mọi lúc mọi nơi: Quản lý nhà hàng có thể xem báo cáo về tình hình kinh doanh, bao quát hoạt động của nhà hàng qua ứng dụng bất cứ lúc nào.
Cách thức tính toán chi phí, lợi nhuận
Doanh thu là tổng số tiền bạn thu được từ việc bán hàng. Để tính doanh thu, bạn cần biết:
Giá bán sản phẩm: Đặt giá bán cho từng món ăn dựa trên chi phí, thị trường và lợi nhuận mong muốn. Số lượng bán ra: Dự đoán số lượng món ăn bạn có thể bán trong một tháng.
Ví dụ: Giả sử bạn bán nem chua phô mai với giá 20.000 đồng mỗi chiếc. Nếu bạn dự đoán bán được 1.000 chiếc trong một tháng, doanh thu sẽ là:
Doanh thu=20.000×1.000=20.000.000 ngàn
Lợi nhuận là phần còn lại sau khi trừ đi tất cả các chi phí từ doanh thu. Ví dụ tính toán:
Chi phí nguyên liệu bắp xào: 6.000đ/phần
Chi phí nguyên liệu bắp nướng: 7.000đ/phần
Giả sử bạn muốn có lợi nhuận 50% và chi phí vận hành là 10% giá vốn, thì:
Giá bán bắp xào = (6.000 + 6.000 x 0,1) / (1 - 0,5) = 15.000đ/phần
Giá bán bắp nướng = (7.000 + 7.000x 0,1) / (1 - 0,5) = 20.000đ/phần
Như vậy, mức giá bán hợp lý cho bắp xào là 15.000đ/phần và bắp nướng là 20.000đ/phần, để đạt được lợi nhuận mong muốn 50% và bù đắp chi phí vận hành 10% giá vốn.
3.4 Quảng bá , sử dụng mạng xã hội
Với sự phổ biến của các nền tảng như TikTok, Instagram và Facebook, việc tạo ra những nội dung hấp dẫn xoay quanh món ăn vặt của bạn là vô cùng cần thiết. Video ngắn về quá trình chế biến, hình ảnh sản phẩm bắt mắt, hoặc chia sẻ các mẹo nhỏ trong nấu ăn sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý của khách hàng và tạo dựng lòng tin.
Hợp tác với các KOLs (Key Opinion Leaders) hoặc những người có ảnh hưởng trong cộng đồng ẩm thực để quảng bá sản phẩm của bạn. Những review chân thật từ họ sẽ có tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, việc kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh online sẽ giúp bạn tối đa hóa doanh thu và bạn nên đảm bảo rằng món ăn vặt của bạn có mặt trên các nền tảng giao hàng phổ biến như GrabFood hoặc ShopeeFood.
4. Những món ăn vặt để kinh doanh ngon, rẻ, dễ làm và hot nhất hiện nay
Bánh tráng trộn, bánh tráng nướng
Banh-trang-nuong
Bánh tráng nướng
Bánh tráng nướng ngon miệng với đầy đủ topping
Đây là món ăn vặt rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt được yêu thích bởi giới trẻ. Món ăn này có thể được biến tấu thành nhiều phiên bản khác nhau, mang lại hương vị độc đáo và hấp dẫn. Bạn nên chuẩn bị những nguyên liệu đơn giản như bánh tráng, trứng cút, tép khô, bò khô, xoài xanh, rau răm, và các gia vị như muối tôm, sa tế, nước tương.
Ngoài ra, bạn có thể tạo ra các phiên bản bánh tráng trộn khác nhau như bánh tráng trộn khô bò, bánh tráng trộn sa tế, hoặc bánh tráng trộn Tây Ninh để đa dạng hóa thực đơn. Vốn khởi điểm cho mô hình này thường không quá 10 triệu đồng, đủ để mua sắm nguyên liệu và dụng cụ cơ bản.
Đối với bánh tráng nướng, bạn nên lưu ý đến thời gian nướng để đảm bảo bánh không bị cháy và giữ được độ giòn, nguyên liệu vừa chín tới. Dùng nóng với tương ớt hoặc mayonnaise để tăng thêm hương vị.
Nguyên liệu để làm bánh tráng trộn, bánh tráng nướng rất rẻ, chỉ khoảng 10.000đ cho một phần, trong khi bạn có thể bán với giá từ 15.000đ đến 20.000đ. Nếu bạn bán khoảng 150-200 phần mỗi ngày, bạn có thể thu về từ 750.000đ đến 1.000.000đ lợi nhuận mỗi ngày, giúp bạn nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Bắp xào, bắp nướng
Bắp nướng, bắp xào là món ăn vặt dễ làm và rất được ưa chuộng hiện nay, đặc biệt trong những buổi tiệc ngoài trời hay các sự kiện, nhất là vào mùa lạnh. Những món ăn này thường được chế biến từ bắp ngô tươi, kết hợp với các nguyên liệu như bơ, ruốc, hành lá và gia vị.
Tổng chi phí để kinh doanh món ăn vặt bắp xào, bắp nướng khoảng 3-7 triệu đồng, tùy quy mô và địa điểm kinh doanh.
Ốc
Ốc là một trong những món ăn vặt phổ biến và được ưa chuộng hiện nay. Với nhiều loại ốc khác nhau như ốc bươu, ốc len, ốc hương,... cùng với các cách chế biến đa dạng như luộc, xào,....
Ngoài ra, một số món ốc khác cũng rất hot như sò huyết rang muối, ốc bươu nướng tiêu xanh, ốc khế nướng muối ớt,... Các món ăn này không chỉ dễ làm mà còn mang lại hương vị đậm đà và khó cưỡng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Thông thường, bạn chỉ cần khoảng 10 triệu đến 50 triệu đồng để mở quán ốc nhỏ. Nếu bạn dự định mở một quán ốc có quy mô lớn hơn, với không gian rộng rãi và trang trí đẹp mắt, mức vốn có thể dao động từ 70 triệu đến 100 triệu đồng hoặc hơn.
Chân gà trộn cóc, xoài non hay nướng sả ớt
Chân gà là món ăn vặt dễ làm, giá rẻ, ngon miệng và rất được ưa chuộng hiện nay. Bạn có thể thưởng thức chân gà tại các quán ăn vặt hoặc tự chế biến tại nhà để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, chân gà còn có thể chế biến theo nhiều cách khác như chiên giòn, xào sả ớt, hấp, luộc chấm mắm gừng... Tùy theo sở thích và khẩu vị của từng người mà lựa chọn cách chế biến phù hợp.
Tổng mức vốn khởi điểm cho việc kinh doanh chân gà nướng và trộn xoài non có thể dao động từ 10 triệu đến 30 triệu đồng.
Xoài, cóc lắc/ ngâm chua ngọt
Xoài và cóc lắc là món ăn vặt được yêu thích bởi hương vị chua chua, ngọt ngọt, và cay cay, tạo cảm giác kích thích vị giác. Cả hai món đều sử dụng nguyên liệu chính đơn giản, rẻ tiền, dễ kiếm là xoài hoặc cóc non, kết hợp với một số gia vị như đường, nước mắm, ớt. Quy trình chế biến không phức tạp, chỉ cần thái trái cây, pha nước sốt và trộn đều lại là xong. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức khi bạn muốn sản xuất số lượng lớn để kinh doanh.
Kinh doanh xoài lắc bằng xe đẩy là một lựa chọn linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Bạn có thể di chuyển đến các địa điểm đông đúc, như công viên, chợ đêm, hoặc sự kiện để bán hàng. Bạn có thể tạo combo xoài lắc với các món ăn vặt khác như bánh tráng, hoặc các loại trái cây khác. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị đơn hàng mà còn thu hút khách hàng đến với nhiều lựa chọn hơn. Ngoài ra, việc kinh doanh xoài lắc yêu cầu mức vốn không quá lớn, thường dao động từ 5 triệu đến 15 triệu đồng. Giá bán trung bình cho mỗi phần xoài lắc hoặc cóc lắc dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng, mang lại lợi nhuận cao so với chi phí nguyên liệu.
Bánh gạo cay Hàn Quốc (Tokbokki), bánh bạch tuộc (Takoyaki)
Ẩm thực Hàn Quốc và Nhật Bản đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong giới trẻ. Tokbokki và Takoyaki là hai món ăn vặt đặc sắc, dễ chế biến và có thể thu hút đông đảo thực khách.
Việc bắt đầu kinh doanh các món ăn này không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn. Bạn có thể bắt đầu với một quầy hàng nhỏ, xe đẩy hoặc cửa hàng bình dân. Tổng mức vốn khởi điểm cho việc kinh doanh bánh gạo cay, bánh bạch tuộc có thể dao động từ 10 đến 50 triệu đồng. Món ăn vặt thường có biên lợi nhuận cao. Với giá bán từ 20.000 đến 50.000 đồng cho một phần Tokbokki hay Takoyaki, bạn có thể dễ dàng thu hồi vốn và tạo ra lợi nhuận tốt nếu biết cách thu hút khách hàng. Ngoài ra, bạn có thể sáng tạo và biến tấu các công thức chế biến để tạo ra nhiều phiên bản khác nhau của Tokbokki (như Tokbokki phô mai, Tokbokki chiên) và Takoyaki (như Takoyaki nhân phô mai, Takoyaki cay) giúp thu hút khách hàng hơn.
Trà sữa
Đây là một trong những thức uống được yêu thích nhất tại Việt Nam. Với sự phát triển của văn hóa trà sữa, nhu cầu tiêu thụ trà sữa không ngừng tăng lên. Đặc biệt, trà sữa phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng từ học sinh, sinh viên đến người đi làm. Với hương vị ngọt ngào, béo ngậy từ sữa và trà, món này đã chinh phục được nhiều tín đồ ẩm thực. Nguyên liệu để làm trà sữa rất dễ tìm và công thức pha chế cũng không quá phức tạp. Bạn có thể bắt đầu từ một quầy nhỏ hoặc thậm chí là chế biến tại nhà và giao hàng.
Để tạo nên một ly trà sữa thơm ngon, các nguyên liệu cơ bản bao gồm:
- Trà: Thường sử dụng trà đen, trà xanh hoặc trà ô long. Trà là thành phần quyết định hương vị của thức uống.
- Sữa: Sữa đặc có đường và sữa tươi là hai loại sữa phổ biến được sử dụng để tạo độ béo và ngọt cho trà sữa.
- Topping: Các loại topping như trân châu đen, trân châu trắng, thạch, pudding, và nhiều loại khác giúp tăng thêm sự phong phú và thú vị cho món uống.
Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng tùy chỉnh công thức và thêm nhiều loại topping khác nhau như trân châu, thạch, hoặc trái cây, tạo ra sự phong phú cho thực đơn. Điều này không chỉ giúp bạn thu hút khách hàng mà còn tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Một số loại trà sữa nổi bật bao gồm:
- Trà sữa trân châu: Đây là loại trà sữa truyền thống với trân châu đen hoặc trắng.
- Trà sữa Oreo: Kết hợp giữa trà sữa và bánh Oreo, tạo nên hương vị ngọt ngào và béo ngậy.
- Trà sữa hành lá: Một trào lưu mới lạ, kết hợp trà sữa với hành lá, tạo nên sự độc đáo trong trải nghiệm thưởng thức.
- Trà sữa trái cây: Sự kết hợp giữa trà sữa và các loại trái cây như dứa, xoài, hoặc dâu tây, mang đến hương vị tươi mới.
- Trà sữa matcha kem cheese là một món thức uống đang rất thịnh hành, không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa trà xanh Nhật Bản (matcha) và lớp kem cheese béo ngậy. Món này không chỉ dễ làm mà còn có ngoại hình bắt mắt, dễ dàng trở thành "hiện tượng mạng" với những bạn trẻ yêu thích check-in.
Kinh doanh đồ ăn vặt như trà sữa và bánh tráng trộn thường có tỷ lệ lợi nhuận cao. Giá bán có thể gấp 2-3 lần so với giá vốn, giúp bạn thu hồi vốn nhanh chóng. Có nhiều loại mô hình kinh doanh trà sữa nên mức vốn có thể dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu, ví dụ như:
- Mô hình trà sữa xe đẩy hoặc take away: Khoảng 10-20 triệu.
- Mô hình quán trà sữa nhỏ gọn: Khoảng 30-70 triệu.
- Mô hình kinh doanh tự thương hiệu: Khoảng 200 triệu.
- Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu: Khoảng 300-500 triệu.
Chè, bánh flan, rau câu, bánh ngọt (panacotta, tiramisu,...)
Chè, bánh flan, rau câu và bánh ngọt là những món ăn vặt được ưa chuộng bởi mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn. So với nhiều món ăn vặt khác, chè, bánh flan và rau câu có thời hạn sử dụng tương đối dài (từ 3-5 ngày). Điều này giúp bạn dễ dàng bảo quản và vận chuyển đến tay khách hàng.
- Chè có nhiều loại khác nhau như chè đậu xanh, chè bắp, chè thập cẩm. Món này thường được chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên như đậu, trái cây, và nước cốt dừa, mang lại hương vị ngọt ngào, mát lạnh, rất thích hợp trong những ngày hè oi ả.
- Bánh flan, hay còn gọi là bánh caramen dễ làm với nguyên liệu đơn giản như trứng, sữa, và đường. Bánh có lớp vỏ mỏng, dẻo, và phần nhân kem trứng béo ngậy. Giá thành của bánh flan rất hợp lý, chỉ từ 10.000 đến 20.000 VND/cái, khiến nó trở thành một lựa chọn lý tưởng cho những ai yêu thích món ngọt.
- Với các nguyên liệu như bột rau câu, nước, và đường, bạn có thể tạo ra những chiếc bánh rau câu với nhiều hương vị khác nhau. Món này thường được dùng để giải khát trong mùa hè, và có thể kết hợp với nhiều loại topping như trái cây hoặc nước cốt dừa.
- Panna Cotta: Món tráng miệng từ Ý với kem tươi, đường, và gelatin, thường được phục vụ với sốt trái cây.
- Tiramisu: Bánh ngọt có hương vị cà phê, được làm từ lớp bánh ladyfinger ngâm cà phê và kem mascarpone.
Tổng mức vốn khởi nghiệp cho việc kinh doanh chè, bánh flan và rau câu có thể dao động từ 30 - 100 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô và hình thức kinh doanh (mở quán hay bán online).
Cá viên chiên
Cá viên chiên là món ăn được giới trẻ siêu ưa chuộng. Món ăn này thường được tiêu thụ trong các trường học, khu vực văn phòng, và các sự kiện. Nguyên liệu để làm cá viên chiên rất dễ tìm và không cần quá nhiều công đoạn phức tạp. Bạn chỉ cần chuẩn bị nguồn hàng uy tín để nhập hàng và quá trình chế biến cũng không tốn nhiều thời gian, giúp bạn phục vụ khách hàng nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo kết hợp với nhiều loại sốt khác nhau để phục vụ kèm cá viên chiên, như sốt tương ớt, sốt mayonnaise, hay sốt chua ngọt. Tổng chi phí ban đầu để bắt đầu kinh doanh cá viên chiên có thể dao động từ khoảng 8.000.000 đến 20.000.000 đồng.
Để tăng doanh thu, bạn có thể thực hiện bán kèm với các đồ ăn vặt khác như: trà sữa, nước giải khát,...
Bánh chuối hấp, chuối nếp nướng
Cả bánh chuối hấp và chuối nếp nướng đều có quy trình chế biến không quá phức tạp, giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Bạn có thể làm theo đơn đặt hàng, không cần ôm hàng tồn kho.
Tổng mức vốn khởi nghiệp cho kinh doanh hai món ăn này có thể dao động từ 5.000.000đ đến 15.000.000đ. Với giá bán khoảng 12.000đ - 15.000đ cho mỗi phần chuối nếp nướng và bánh chuối hấp, nếu bạn bán được khoảng 100 phần mỗi ngày, doanh thu hàng tháng có thể đạt từ 36.000.000đ đến 45.000.000đ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận có thể khá hấp dẫn, giúp bạn nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Khoai tây, khoai lang chiên
Cách chế biến khoai tây và khoai lang chiên rất đơn giản và không yêu cầu kỹ thuật cao. Bạn chỉ cần thực hiện các bước như gọt vỏ, cắt miếng, chiên và có thể thêm các gia vị như phô mai, xí muội để tăng hương vị.
Bạn có thể sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm từ khoai tây và khoai lang, như khoai tây chiên giòn, khoai lang lắc phô mai, hay khoai lang chiên bột.
Khoai tây và khoai lang đều là nguyên liệu dễ tìm và có giá thành thấp. Bạn có thể bắt đầu kinh doanh với số vốn nhỏ, chỉ cần khoảng 5-10 triệu đồng cho một mô hình kinh doanh nhỏ lẻ như quán vỉa hè hoặc xe đẩy.
Cút lộn xào me, mực rim me
Món cút lộn xào me thường được bán trong các quán ăn vặt, xe đẩy, và rất được ưa chuộng trong các buổi tụ tập bạn bè. Mực rim me cũng là món nhậu hấp dẫn, thường xuất hiện trong các bữa tiệc hay buổi nhậu. Với nhu cầu cao và sự yêu thích của khách hàng, bạn có cơ hội lớn để thu hút khách hàng. Cả hai món ăn này đều có nguyên liệu dễ tìm và giá thành thấp. Bạn có thể bắt đầu với một quầy hàng nhỏ hoặc xe đẩy, giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng.
Cút lộn xào me và mực rim me có quy trình chế biến đơn giản và nhanh chóng. Bạn có thể dễ dàng điều chỉnh công thức để phù hợp với khẩu vị của khách hàng, từ độ cay đến độ ngọt của nước sốt. Việc kết hợp các món ăn vặt khác như bánh tráng trộn, chân gà nướng sẽ giúp tăng trưởng doanh thu và thu hút nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Kinh doanh cút lộn xào me và mực rim me có thể bắt đầu với mức vốn nhỏ khoảng 8 triệu đến 10 triệu đồng bằng xe đẩy hoặc đầu tư lớn khoảng 30 triệu đến 50 triệu hơn để mở quán. Nếu bán được 20 - 50đĩa/ngày, bạn có thể thu về khoảng 300.000 - 1.000.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ròng có thể đạt từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày.
Nem chua phô mai
Nem chua phô mai là một biến tấu mới mẻ của món nem chua truyền thống. Thay vì nhân thịt, nem được nhân phô mai béo ngậy, mềm mịn. Vỏ nem vẫn giòn rụm, bên trong là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị chua của nem và vị béo ngọt của phô mai. Món ăn vặt này rất dễ làm và đang rất hot trên thị trường.
Để mở một cơ sở kinh doanh nem chua phô mai bạn cần chuẩn bị số vốn khoảng 40-100 triệu đồng. Kinh doanh nem chua phô mai có tiềm năng lợi nhuận rất lớn vì:
- Đối tượng khách hàng rộng, từ trẻ em đến người lớn tuổi
- Món ăn phổ biến, dễ ăn, giá rẻ chỉ khoảng 10k/suất
- Nguyên liệu dễ tìm, chế biến đơn giản
- Vốn đầu tư thấp, có thể thu hồi vốn nhanh
Nhiều chủ quán chỉ mới kinh doanh được một thời gian ngắn đã nhanh chóng hoàn vốn và thu lãi "khủng" nhờ biết cách thu hút khách hàng ở những khu vực đông đúc như gần trường học, khu văn phòng.
5. Kinh nghiệm kinh doanh đồ ăn vặt từ những người thành công
Nguyễn Tống Thanh Ngân, một cô gái trẻ sinh năm 1997, đã quyết định bỏ học từ sớm để theo đuổi đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực đồ ăn vặt. Với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, cô đã mở một quán ăn vặt nhỏ tại quận 4, TP.HCM.
Ban đầu, quán chỉ có vài món ăn đơn giản, nhưng nhờ vào sự chăm chút và sáng tạo trong thực đơn, quán của Ngân nhanh chóng thu hút được đông đảo khách hàng. Hiện tại, quán có thể bán từ 70 đến 150 đơn hàng mỗi ngày, tương đương với hơn 4.000 đơn hàng mỗi tháng. Doanh thu có thời điểm đạt gần 700 triệu đồng/tháng, một con số ấn tượng cho một quán ăn vặt nhỏ.
Ngân chia sẻ rằng, để duy trì sự thành công, cô luôn chú trọng đến chất lượng món ăn và dịch vụ khách hàng. Cô không ngần ngại miễn phí phần ăn nếu có bất kỳ lỗi nào xảy ra trong quá trình phục vụ. Đối với Ngân, sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
- Đam mê là động lực quan trọng giúp bạn vượt qua khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Ngân đã chứng minh rằng, với sự đam mê và kiên trì, bạn có thể biến ước mơ thành hiện thực.
- Để thu hút và giữ chân khách hàng, bạn cần đảm bảo chất lượng món ăn và dịch vụ. Ngân luôn chú trọng đến việc phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, từ khâu chế biến đến phục vụ.
- Ngân đã học được rằng, việc lắng nghe phản hồi từ khách hàng và nhân viên là rất quan trọng. Điều này giúp cô cải thiện quy trình làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ.
- Khởi nghiệp không chỉ là làm chủ mà còn là gánh vác nhiều trách nhiệm. Ngân đã phải học cách quản lý tài chính, đảm bảo thu nhập cho nhân viên và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.
- Ngân đã tạo ra một môi trường làm việc như một gia đình, nơi nhân viên cảm thấy thoải mái và gắn bó. Điều này không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn tạo ra sự trung thành từ phía nhân viên.
Kết luận
Kinh doanh đồ ăn vặt là một lĩnh vực đầy tiềm năng với mức lợi nhuận hấp dẫn, đặc biệt khi thị trường Việt Nam ngày càng phát triển với nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Để thành công, bạn cần đầu tư tâm huyết, nghiên cứu kỹ thị trường, lựa chọn mặt hàng phù hợp và áp dụng chiến lược kinh doanh hiệu quả. Bài viết đã cung cấp những kiến thức cơ bản về kinh doanh đồ ăn vặt, bao gồm từ khâu lên ý tưởng, lập kế hoạch, quản lý, thu hút khách hàng, đến lựa chọn mặt hàng phù hợp và học hỏi từ kinh nghiệm của những người thành công.