Trong kinh doanh, càng có ít vốn thì càng không có nhiều sự lựa chọn, đôi khi chỉ việc suy nghĩ phải kinh doanh gì cũng đã đủ khó khăn. Với số tiền ít ỏi mình có bạn phải chọn được mặt hàng hợp xu hướng, đáp ứng được nhu cầu của số đông lại vừa đủ trong tầm vốn bỏ ra. Chúng tôi đã từng chia sẻ một số gợi ý tại bài viết Ý tưởng kinh doanh ít vốn tại nhà năm 2016, trong đó nhận được nhiều chú ý của bạn đọc nhất là ý tưởng kinh doanh đồ handmade. Tuy nhiên vẫn có nhiều người nghi ngại về ý tưởng này, vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu tiềm năng cũng như các thách thức khi chọn đồ handmade để kinh doanh nhỏ ngay sau đây.
Những tiềm năng khi chọn đồ handmade để kinh doanh nhỏ
Cần ít vốn
Đặc trưng của đồ handmade là các sản phẩm đều được làm thủ công, đa phần do chính tay người bán thực hiện, vì vậy sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho khâu sản xuất. Ngoài ra, nguyên liệu để làm đồ handmade chủ yếu là vật dụng quen thuộc khá rẻ tiền, đặc biệt khi nhập sỉ số lượng lớn thì càng thấp, bạn sẽ không phải quá lo lắng chuyện nhập hàng. Vấn đề lưu kho hay mặt bằng trưng bày hàng hóa càng là lợi thế khi chọn đồ handmade, vì sản phẩm làm tay chắc chắn không thể quá cồng kềnh, tiết kiệm tối đa không gian cho bạn.
Sản phẩm đặc biệt
Một trong những vấn đề khiến nhiều người đau đầu khi lựa chọn ý tưởng kinh doanh là sản phẩm cuối cùng có gì nổi bật, có đủ hấp dẫn khách hàng hay không, có đủ tạo dấu ấn riêng giữa hàng nghìn sản phẩm khác. Nhưng khi chọn đồ handmade bạn hoàn toàn không phải lo sợ điều này, vì mỗi sản phẩm làm ra đều là duy nhất và mang theo sự sáng tạo độc đáo của người thực hiện. Chỉ đơn giản là vài sợi dây, ít hạt cườm, chút da thuộc,… dưới bàn tay khéo léo sẽ trở thành một chiếc vòng độc nhất vô nhị mang tính thẩm mỹ cao. Đây chính là yếu tố khiến các món đồ handmade tuy làm từ thứ rẻ tiền mà vẫn bán đắt khách.
Nhu cầu cao
Thế giới đang chìm ngập trong các sản phẩm công nghiệp được sản xuất số lượng lớn trăm cái như một, trong khi đó nhu cầu tiêu dùng lại theo xu hướng cá nhân hóa, chính mâu thuẫn này khiến cho các sản phẩm độc đáo, mới lạ, in đậm dấu ấn cá nhân lên ngôi. Và với sự đặc biệt của mình, đồ handmade chính là ví dụ tiêu biểu cho những sản phẩm như vậy. Thế nên nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ về đồ handmade rất cao, các sản phẩm tự tay làm như phụ kiện thời trang, mỹ phẩm,… có tốc độ tiêu thụ nhanh.
Những thách thức khi kinh doanh đồ handmade
Cần có sự sáng tạo và khéo léo
Kinh doanh đồ handmade không chỉ cần tư duy bán hàng mà còn phải có bộ óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người làm nghệ thuật. Đây là yêu cầu khắc nghiệt nhưng lại bắt buộc khi bạn chọn lĩnh vực này, vì nếu chỉ biết kinh doanh mà không có mắt thẩm mỹ thì các sản phẩm của bạn sẽ không đủ độc đáo để hấp dẫn khách hàng.
Cần bắt kịp xu hướng
Sở dĩ đồ handmade được nhiều người ưa chuộng vì nó khác biệt về ngoại hình hoặc có tính năng độc đáo, mà muốn như vậy thì bạn phải hiểu được nhu cầu của khách hàng, đón bắt các xu hướng mới để tạo ra sản phẩm phù hợp. Lấy ví dụ như gần đây đang “sốt” trào lưu chơi game thực tế ảo Pokemon Go, nhân cơ hội này một cậu bé tên Athen Salcedo đã bán những chiếc huy hiệu phản quang dành riêng cho game thủ giúp họ đảm bảo an toàn khi ra ngoài bắt Pokemon. Ý tưởng này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng người chơi game, giúp cậu bé thu về hàng trăm đô la chỉ sau vài ngày.
Khó khăn về việc đảm bảo số lượng
Đồ làm bằng tay thì chắc chắn sẽ không thể sản xuất với số lượng lớn trong thời gian ngắn được, vì vậy bạn phải tính đến việc mở rộng quy mô nếu muốn phát triển hơn nữa. Lúc này bạn có thể thuê thêm nhân công hoặc nhập mua lại từ những thợ làm đồ handmade khác, như vậy chi phí sẽ tăng lên, bạn cần cân nhắc trước.
Dễ mất ý tưởng sản phẩm
Hầu hết các món đồ handmade đều khá dễ làm, đây là lợi thế đồng thời cũng là nhược điểm, vì khả năng bạn bị đánh cắp ý tưởng sản phẩm rất cao. Để hạn chế tình trạng này bạn nên giữ lại một số bí quyết trong lúc làm sản phẩm như cách thắt nút, trộn nguyên liệu,… Tuy nhiên đó chỉ là cách tạm thời, để không bị đối thủ chơi xấu thì tốt nhất bạn nên cho ra mắt các mẫu mã mới thường xuyên.
Trên đây là những ý kiến phân tích tiềm năng và thách thức của ý tưởng kinh doanh đồ handmade khi kinh doanh nhỏ. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn đúng đắn.