Theo thống kê, tổng thời lượng người dùng tại Mỹ xem video trên Youtube mỗi ngày lên tới 8000 năm, tương đương hơn 70 triệu giờ, một con số có thể gây sốc với không ít người. Tuy vậy, chỉ có 9% doanh nghiệp nhỏ quan tâm đến việc tạo một kênh Youtube riêng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của mạng xã hội chuyên về video này, đồng thời còn chỉ ra tiềm năng phát triển khi gia nhập vào đây.
Trong bài viết sau chúng tôi sẽ hướng dẫn cách thiết lập một kênh Youtube và chia sẻ bí quyết tối ưu nó để doanh nghiệp có thể tạo ra nội dung hấp dẫn, thu hút nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, một chiến lược nội dung toàn diện trên Youtube còn giúp bạn xây dựng bản sắc thương hiệu riêng, giới thiệu sản phẩm đồng thời kết nối với người dùng bằng phương pháp trực quan hơn.
1. Tạo tài khoản Google Plus cho doanh nghiệp
Để tạo được một tài khoản Youtube cho doanh nghiệp thì trước tiên bạn phải tham gia vào mạng xã hội Google Plus và thiết lập hồ sơ doanh nghiệp tại đây. Để các bạn dễ hình dung chúng tôi sẽ lấy một cửa hàng làm ví dụ.
Đầu tiên bạn truy cập vào website plus.google.com và làm theo hướng dẫn để đăng ký tài khoản.
Sau đó bạn tiếp tục di chuột vào mục Trang Chủ ở góc trên cùng tay trái, chọn Trang và bắt đầu khởi tạo trang dành riêng cho doanh nghiệp mình.
Tại đây bạn chọn loại hình cho doanh nghiệp.
Tiếp đến bạn cần thêm một số thông tin như Tên, Liên kết,…
Cuối cùng là hoàn thiện hồ sơ trang rồi nhấn hoàn tất.
Và đây là thành quả cuối cùng.
2. Tạo kênh Youtube cho doanh nghiệp
Bước 1:
Truy cập vào đường link www.youtube.com/channel_switcher, bạn sẽ thấy tài khoản cá nhân của mình và một tài khoản mới cho doanh nghiệp trên Google+ mà bạn vừa tạo.
Bước 2:
Nhấp chuột vào trang kinh doanh của doanh nghiệp.
Bước 3:
Một cửa sổ pop-up sẽ xuất hiện và yêu cầu bạn xác nhận muốn khởi tạo kênh Youtube cho doanh nghiệp. Hãy chọn OK
Bước 4:
Hãy nhấn OK thêm một lần nữa khi được thông báo rằng đã kết nối thành công giữa kênh Youtube với Google+.
Vậy là đã xong phần khởi tạo kênh Youtube cho doanh nghiệp, trong các phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu những tùy chỉnh để tối ưu kênh đó.
3. Tùy chỉnh kênh Youtube cho doanh nghiệp
Việc đầu tiên khi có được kênh Youtube không phải là vội vã đăng tải video mà phải tùy chỉnh các thông tin để kênh của bạn nhìn chuyên nghiệp hơn, phục vụ tối đa cho việc tiếp thị và quảng bá thương hiệu. Dưới đây là một số việc bạn cần làm ngay.
Biểu tượng của kênh
Theo mặc định, biểu tượng của kênh Youtube sẽ lấy hình ảnh đại diện trên tài khoản Google+ khi bạn thiết lập. Bạn nên chuyển nó thành logo hoặc biểu tượng doanh nghiệp mình. Mặc dù hình ảnh này chỉ hiển thị với kích thước 98x98 nhưng bạn phải đảm bảo rằng nó có định dạng JPG, BMP, PNG hoặc GIF và ít nhất phải là 800x800 pixel.
Ảnh kênh (Channel Art)
Thêm một ảnh kênh là cách tuyệt vời để thể hiện cá tính cho thương hiệu của mình và tạo ra hồ sơ trực quan hơn trên Youtube. Ảnh kênh cần có kích thước ít nhất là 2048x1152 pixel (kích thước khuyến nghị là 2560x1440 pixel), nặng 4MB.
4. Thêm thông tin chi tiết và mô tả
Để mở khóa tất cả các lựa chọn tùy biến cho kênh của doanh nghiệp bạn cần phải bấm vào biểu tượng bánh răng ở phần bên phải dưới ảnh kênh.
Một cửa sổ pop-up có tiêu đề “Cài đặt kênh” sẽ hện ra, hãy tìm mục “Tùy chỉnh bố trí kênh” (Customize the layout of your channel) và kích hoạt nó. Bấm vào “Save”.
Lúc này bạn sẽ được cung cấp nhiều tùy chọn hơn trong 5 tab: Home, Video, Playlist, Channel và About.
Tại phần Mô tả (Description), hãy đưa ra vài dòng giới thiệu ngắn gọn về doanh nghiệp, sản phẩm và tầm nhìn, sứ mạng của bạn. Đừng quên thêm địa chỉ email liên hệ vào mục Thông tin chi tiết (Details). Riêng ở mục Liên kết (Links) hãy thêm tất cả các liên kết mạng xã hội như Facebook, Twitter,… của doanh nghiệp vào đó.
Tiếp theo, hãy nhìn vào mũi tên đỏ trong hình dưới, mục Featured Channels này dùng để thêm những kênh khác mà doanh nghiệp cũng đang sở hữu hoặc được quản lý bởi nhân viên của bạn có liên quan đến thương hiệu, sản phẩm.
5. Tạo nội dung hấp dẫn người xem
Sau khi hoàn thiện khâu chuẩn bị thì đã đến lúc kênh Youtube của doanh nghiệp bạn sẵn sàng để được cập nhật video. Nhưng vẫn khoan vội vàng, bạn cần dành thời gian nghĩ xem nên đăng những video có nội dung gì để thu hút người xem.
Hãy nhớ rằng các video là một phần không thể thiếu của mỗi chiến lược tiếp thị nội dung, đây là cách cung cấp cho khách hàng cái nhìn trực quan cùng nhiều thông tin hơn về sản phẩm và thương hiệu. Với mục đích này, chúng ta sẽ cùng khám phá những cách tạo nội dung video độc đáo ngay dưới đây.
Nội dung giáo dục
Hiện nay số lượng người dùng Youtube như một phương tiện để học hỏi kiến thức mới đang gia tăng nhanh chóng. Trong thực tế, các tìm kiếm video bắt đầu bằng cụm từ “Làm thế nào để” đã tăng 70% trong năm vừa qua. Điều này đã mở ra một cơ hội tạo nội dung video hấp dẫn cho doanh nghiệp bằng cách chia sẻ những hướng dẫn xung quanh sản phẩm của mình.
Những video dạy các kỹ năng mới này là cách tuyệt vời để xây dựng niềm tin với khách hàng đồng thời cải thiện tỷ lệ chuyển đổi tăng lên rõ rệt. Dưới đây là một ví dụ của HP.
Khi bạn đang loay hoay không biết cách đổ đầy mực cho máy in HP Deskjet thì chỉ cần gõ vào khung tìm kiếm của Youtube truy vấn: “Làm thế nào để thay hộp mực cho HP Deskjet”. Kết quả đầu tiên bạn nhận được sẽ là một video do chính HP tạo ra, hướng dẫn cách đổi mực từ đầu đến cuối cho bạn.
Trong thực tế máy in rất khó sử dụng, vì vậy video hướng dẫn này của HP đã đánh trúng nhu cầu cấp thiết của người dùng, cũng lựa chọn giải quyết câu hỏi thường gặp nhất.
Ví dụ của HP rất điển hình cho nội dung giáo dục, nhưng bên cạnh việc hướng dẫn mọi người cách sửa chữa thì bạn còn có thể tạo video chỉ họ cách dùng chúng để giải quyết vấn đề thường ngày. Giống như cách làm dưới đây của Luxy Hair, một thương hiệu chuyên kinh doanh online các sản phẩm chăm sóc tóc. Hầu hết video trên kênh Youtube của Luxy Hair đều là cách họ hướng dẫn sử dụng sản phẩm hoặc lời khuyên tạo mẫu tóc.
Nội dung của video khá đơn giản, chỉ là gợi ý một số cách tạo kiểu tóc cho những buổi sáng vội vàng mà thôi, nhưng lượt xem đã lên tới hơn 14 triệu cho đến thời điểm hiện tại. Chính nhờ những video như thế mà Luxy Hair đã kéo về cho mình hơn 2,5 triệu người đăng ký theo dõi kênh, một con số rất ấn tượng.
Những video kiểu này thường xen vào một chút nội dung quảng cáo, nhưng dù thế nào mục đích chính vẫn là cung cấp nhiều giá trị thực tế hơn nữa cho khách hàng.
Kể chuyện thương hiệu
Khi nói đến việc tạo nội dung video hấp dẫn thì kể một câu chuyện là phương án hiệu quả hơn hết. Vì những video như thế thường truyền được cảm hứng hoặc lấy được sự đồng cảm của người xem, đây cũng là cách khiến khách hàng ghi nhớ thương hiệu của bạn lâu hơn. Ngoài ra, sức lan tỏa của các video kiểu này rất mạnh mẽ, nhất là nhờ vào khả năng chia sẻ và nhúng mã của Youtube lên các trang mạng xã hội, diễn đàn, blog.
Nhưng cần phải lưu ý một điểm, các video kể chuyện phải hướng tới việc xây dựng một lối sống xung quanh thương hiệu của bạn, đồng thời cho khách hàng biệt khi họ mua sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc mua thêm rất nhiều trải nghiệm thú vị khác.
GoPro là một ví dụ điển hình cho việc vận dụng vieo kể chuyện với một kho nội dung đa dạng trên Youtube. Các video này kể về những cuộc phiêu lưu, khám phá, trải nghiệm tuyệt vời được quay bằng một chiếc camera hành động.
Như video trên, nội dung kể về một lính cứu hỏa cứu chú mèo con như thế nào. Từ đó họ nêu cao khẩu hiệu “Hãy là một anh hùng”, đánh trúng vào tâm lý của người xem.
Giải trí
Xây dựng một chiến lược tiếp thị bằng những đoạn phim hài hước, vui nhộn để tạo sự thoải mái cho người dùng cũng là một cách rất tốt để thu hút khách hàng, tập trung sự chú ý của họ vào sản phẩm.
Vat19, một website chuyên bán sản phẩm theo tiêu chí độc lạ, đã xây dựng thành công một kênh Youtube với nhiều video ấn tượng, hấp dẫn, trực tiếp hướng đến sản phẩm của mình. Nhờ vậy mà hiện tại họ đã có hơn 2 triệu người đăng ký theo dõi.
Họ đã biến video của họ như một chương trình hài kịch thay vì kiểu quảng cáo sản phẩm nhàm chán theo cách truyền thống. Điều này cũng đúng với những gì mà họ đang muốn hướng tới: lạ và kích thích.
6. Tối ưu hóa video cho tìm kiếm
Theo thống kê cho thấy, mỗi phút lại có hơn 400 giờ video được tải lên Youtube. Con số này chứng mình một điều là số lượng người sử dụng kênh Youtube cực kỳ lớn, và chắc chắn video tiếp thị sẽ chiếm phần không hề nhỏ. Vậy thì làm sao để video của bạn nổi bật hơn đây? Lúc này tác dụng của SEO Youtbe mới được thể hiện rõ ràng nhất.
Mỗi một chi tiết trên video như tiêu đề, từ khóa,… đều tác động rất lớn đến thứ hạng trong kết quả tìm kiếm. Vì vậy ngay dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ một số bí quyết giúp bạn tối ưu hóa video hơn.
Từ khóa
Trước khi bắt đầu tối ưu video bạn nên thu hẹp từ khóa mà mình sẽ tập trung vào. Hãy sử dụng một số công cụ hỗ trợ lập kế hoạch từ khóa dành riêng cho Youtube như keywordtool.io để đảm bảo rằng từ khóa bạn chọn là phù hợp và phổ biến nhất. Ngoài ra đây cũng là cách để tìm ý tưởng cho nội dung video, bạn có thể tập hợp những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, lên chủ đề rồi phác thảo nội dung sau đó dàn dựng lại.
Sự gắn kết
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để Youtube đánh giá chất lượng video của bạn đó là sự gắn kết. Hiểu một cách đơn giản thì gắn kết là khi có tương tác, video đăng tải càng nhận được nhiều nhận xét, chia sẻ, lượt thích, lượt đăng ký theo dõi hoặc nhấn nút “Thumbs Up” thì càng được Youtube ưu tiên hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Nếu muốn đạt được điều này bạn có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi, tổ chức cuộc thi hoặc tặng quà.
Ngoài ra, thứ hạng video còn được Youtube xác định dựa trên lượt xem. Vì vậy hãy chắc rằng bạn đã chia sẻ nó trên mọi phương tiện truyền thông xã hội mà mình có. Đừng quên gửi email cho khách hàng, nhận viên hoặc đối tác của mình để khuyến khích họ xem.
Các định dạng
Các định dạng thực tế của video cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện xếp hạng tìm kiếm tổng thể. Mặc dù Youtube không thể xem kĩ từng video để đánh giá nội dung nhưng họ sẽ dựa vào một số yếu tố khác, bao gồm:
- Tên video: Hãy chắc rằng tên của video chứa những từ khóa quan trọng mà bạn đang hướng đến.
- Thời lượng: Youtube đánh giá cao giá trị của những video có thời lượng dài hơn, vì vậy nếu có thể hãy kéo dài nhất có thể.
- Filename: Không chỉ tiêu đề video mà ở tệp tin tải lên cũng cần có những từ khóa mục tiêu, Youtube sẽ chú ý đến nó.
- Mô tả: Đây là phần tóm lược lại ngắn gọn nội dung video mà bạn sẽ tải lên, nếu nó đủ dài và có nhiều từ khóa liên quan thì sẽ được đánh giá cao.
- Tags: Thực ra các thẻ không ảnh hưởng lắm đến thứ hạng, nhưng nếu thẻ chứa từ khóa phổ biến, được nhiều người tìm kiếm thì lượt xem video của bạn cũng tăng lên.
7. Các mẹo và thủ thuật
Sau khi thực hiện tất cả những bí quyết trên mà vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về hiệu quả thu hút người xem của video thì bạn có thể tham khảo thêm một số mẹo và thủ thuật dưới đây của chúng tôi.
Thêm watermark
Watermark (hình mờ) là một trong những công cụ được nhiều người sử dụng nhất để điều hướng người xem hoặc khuyến khích đăng ký kênh Youtube. Những hình ảnh này sẽ được tùy chỉnh độ mờ nhất định, gắn kèm liên kết rồi chèn trực tiếp lên video.
Để thêm watermark bạn vào kênh của doanh nghiệp, sau đó chọn “Video Manager”. Bạn sẽ được điều hướng tới Creator Studio, nơi mà bạn có thể thay đổi nhiều cài đặt hơn cho video.
Tại đây bạn chọn Channel
Tiếp đến chọn Branding rồi nhấp vào Add a watermark.
Kích hoạt tính năng tự động đăng ký
Thu hút người dùng đến xem video của mình chưa phải mục đích cuối cùng, quan trọng là bạn cần biến họ trở thành một thành viên đăng ký theo dõi kênh. Muốn vậy thì khi cung cấp một liên kết bất kỳ về kênh của mình bạn nên thêm “? Sub_confirmation = 1” vào cuối URL của kênh. Khi người dùng nhấp vào liên kết một pop-up sẽ tự động hiện ra khuyến khích họ đăng ký theo dõi.
Thêm thẻ liên kết về website trên video
Khi tài khoản của bạn được xác nhận và nếu làm tốt thì bạn sẽ được phép thêm Merch Cards vào video, đây là thẻ điều hướng người dùng trực tiếp về website chính của bạn.
Để thêm Merch Cards chỉ cần vào mục Video Manager sau đó chọn Edit những video mà bạn muốn thêm thẻ.
Như vậy Blog Sapo đã hoàn thành xong bài hướng dẫn tạo kênh Youtube chất lượng. Hy vọng đây sẽ là một công cụ tiếp thị đắc lực cho doanh nghiệp, cửa hàng của bạn.