Doanh nghiệp vừa và nhỏ được xem như những mô hình kinh doanh phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay. Vậy đâu là tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định mới nhất? Hãy cùng Sapo.vn tìm hiểu ngay trong những chia sẻ dưới đây.
1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?
Căn cứ theo điều 6 tại NĐ 39/2018/NĐ-CP, Doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ:
- Là các doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người, tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ:
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng nhưng không phải doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ.
Doanh nghiệp vừa:
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ.
2. Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ở mỗi nền kinh tế hay quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể giữ những vai trò với mức độ khác nhau, song nhìn chung đều có vai trò tương đồng:
- Giữ vai trò quan trọng với nền kinh tế: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí là áp đảo trong tổng doanh nghiệp. Do đó, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.
- Giữ ổn định nền kinh tế: Ở phần lớn nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là thanh giảm sốc cho nền kinh tế để nền kinh tế có được sự ổn định.
- Làm cho nền kinh tế năng động: Doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ nên dễ điều chỉnh hoạt động.
- Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh.
- Là trụ cột của kinh tế địa phương: Nếu doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở trung tâm kinh tế của đất nước thì doanh nghiệp vừa và nhỏ lại có mặt ở khắp các địa phương và có những đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, sản lượng cũng như tạo công ăn việc làm ở địa phương.
3. Những kỹ năng cần thiết cho nhà quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ
Kỹ năng hoạch định chiến lược
Những nhà quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ là những người cần đưa ra được chiến lược, phương hướng phát triển trong tương lai gần và xa. Do đó, nhà quản lý doanh nghiệp cần có kỹ năng quản lý doanh nghiệp để đưa doanh nghiệp đi đúng hướng.
Kỹ năng phân chia công việc
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ hay bất kỳ mô hình kinh doanh nào thì việc kết hợp vai trò của nhiều bộ phận khác nhau là vô cùng quan trọng. Một đội ngũ hiểu rõ vai trò của mình sẽ làm tốt công việc hơn rất nhiều so với 1 người làm.
Để làm được điều đó, hiểu được cá tính, đặc trưng công việc và thế mạnh của từng người là điều quan trọng để phân chia công việc một cách phù hợp.
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là cần có đối với mọi người, tuy nhiên, đối với một nhà quản lý, nó đóng vai trò quan trọng hơn nhiều để có thể bắt đầu và duy trì mối quan hệ với nhân viên, khách hàng hay đối tác. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng hình ảnh, chuyên nghiệp hóa và bắt đầu những cơ hội mới.
Kỹ năng lãnh đạo
Có thể nói, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kỹ năng lãnh đạo là điều không thể thiếu đối với người quản lý. Thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng như cách ứng xử của nhà quản lý sẽ quyết định thái độ của mọi người cũng như môi trường làm việc.
Kỹ năng đàm phán
Một người quản lý với khả năng đàm phán tốt sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đàm phán tốt sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được nền tảng vững chắc, gây dựng niềm tin và vị trí của doanh nghiệp trong mắt của đối tác, nhà đầu tư cũng như khách hàng.
Trên đây là những yếu tố quan trọng về doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Sapo muốn chia sẻ với bạn. Chúng tôi hy vọng rằng những chia sẻ trên có thể giúp bạn chuẩn bị hành trang tốt nhất để bắt đầu kinh doanh một cách hiệu quả.
Xem thêm: