Mở siêu thị mini ở nông thôn có lãi không? Mô hình siêu thị mini nào đang "làm mưa làm gió" ở nông thôn? Mở siêu thị mini ở quê thì cần những lưu ý gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để tự tin chinh phục “ví tiền” của người tiêu dùng nông thôn nhé.
Siêu thị là một danh từ thường được nhắc tới tại những thành phố lớn, còn ở nông thôn người ta lại quen với tiệm tạp hóa, với chợ cóc, chợ phiên hơn. Nhưng mấy năm gần đây quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại nước ta, nhờ vậy bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, suy nghĩ và thói quen của người dân cũng dần chuyển biến.
Xem thêm: Cả tá ý tưởng kinh doanh ở nông thôn phát tài năm 2022
Các siêu thị mini bắt đầu xuất hiện ở nhiều vùng quê và bước đầu đạt được thành công, mở ra cơ hội mới cho dân khởi nghiệp. Nếu bạn đang có một khoản vốn tương đối và muốn đầu tư vào một ý tưởng kinh doanh và quản lý siêu thị mini tiềm năng thì hãy cân nhắc việc mở siêu thị mini ở nông thôn.
1. Những cơ hội khi kinh doanh siêu thị mini ở nông thôn
1.1 Thị trường lớn, ít cạnh tranh
Nếu đang lo lắng mở siêu thị mini có lãi không thì theo thống kê, có tới 73,1% dân số của nước ta tập trung tại nông thôn, gấp gần 3 lần khu vực thành thị. Điều đáng nói là thu nhập của người tiêu dùng tại nông thôn đã tăng hơn 40% so với các năm trước, điều này cho thấy sức mua của họ cũng được cải thiện. Đây là 2 yếu tố rất quan trọng khi bạn xác định mở siêu thị mini ở nông thôn, vì nó thể hiện tiềm năng của thị trường này.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác cũng quan trọng không kém, đó là mức độ cạnh tranh. Hiện nay, số siêu thị mini đạt chuẩn tại các vùng quê chưa nhiều, bạn sẽ gặp ít đối thủ hơn, đồng thời không bị sự chèn ép từ những hệ thống siêu thị lớn như BigC, SaiGon Co.op,… trên thành thị. Với điều kiện thuận lợi như vậy, chỉ cần xác định hướng đi đúng là bạn sẽ có cơ hội phát triển nhanh chóng.
1.2 Nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng tại nông thôn
So với khu vực thành thị, người dân tại nông thôn vẫn mua hàng tại những cửa hàng tạp hóa và ít có quy chuẩn về hàng hóa. Với các cửa hàng tạp hóa, việc nhập hàng có lợi nhuận cao mà bỏ qua uy tín hay thương hiệu của các sản phẩm lớn vẫn được chấp nhận, tuy nhiên với sự phát triển kinh tế, nhận thức của người dân sống tại khu vực nông thôn đang nâng cao dần và họ cần những cửa hàng hay siêu thị có thương hiệu đảm bảo cho thương hiệu các sản phẩm được bán trong cửa hàng hay siêu thị đó.
Nếu bạn mở một siêu thị mini ở nông thôn, việc khách hàng vào siêu thị của bạn để mua hàng đảm bảo không nhái, không trộn hàng giả là điều sẽ xảy ra. Đây là một cơ hội cũng như thách thức lớn đối với các siêu thị mini ở vùng nông thôn, do nếu không đạt độ tin tưởng hay quy chuẩn nhất định, khách hàng sẽ ít lựa chọn siêu thị của bạn với tâm lý ăn sâu trong tiềm thức là siêu thị giá luôn đắt hơn.
1.3 Cách mua hàng mới
Người tiêu dùng nông thôn đã quen với kiểu đi chợ hoặc ra tiệm tạp hóa mua hàng, tại đó họ chỉ được đứng ngoài… ngắm rồi gọi tên sản phẩm, điều này đôi khi gây ra bất tiện vì không thể kiểm tra, so sánh hàng hóa. Nhưng tại các siêu thị mini thì khác, với mô hình tự chọn họ sẽ được thoải mái tìm kiếm, cân nhắc các loại sản phẩm trước khi quyết định mua.
Cách mua hàng mới này đã chứng tỏ được thế mạnh của mình ở nông thôn, rất nhiều người đã để lại phản hồi tích cực. Như chị Bích trú tại xã Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh cho biết “Mua hàng tại siêu thị mini tôi có thể tham khảo nhiều sản phẩm khác nhau nên dễ lựa chọn hơn, lại chẳng mất công phải hỏi chủ hàng, cứ vào lấy đồ mình thích rồi ra thanh toán thôi.”
Bên cạnh đó, cảm giác vào một siêu thị đầy ắp hàng sẽ khiến khách hàng thấy được sự phong phú trong việc lựa chọn sản phẩm mà tạp hóa khó có được.
1.4 Sản phẩm chất lượng cao, giao dịch an toàn
Lợi thế của các siêu thị mini là sản phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không phải hàng trôi nổi hoặc đồ Trung Quốc. Đây là một trong những điểm mạnh để siêu thị của bạn cạnh tranh với tiệm tạp hóa, chợ truyền thống tại nông thôn.
Ngoài ra, sản phẩm được công khai giá cũng dễ tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng nông thôn vốn rất cẩn thận. Bên cạnh đó, mỗi khi khách hàng thanh toán đều có hóa đơn chi tiết nên hạn chế tối đa tình trạng gian lận.
1.5 Chi phí đầu tư ban đầu thấp
Nếu mở siêu thị mini tại những thành phố lớn thì phần chi phí nặng nhất là mặt bằng, bạn sẽ phải trả từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng để thuê nhà có diện tích từ 100 – 150m2.
Trong khi đó giá mặt bằng ở nông thôn lại thấp hơn nhiều, cùng số tiền trên bạn có thể thuê tại mặt đường, khu vực đông dân cư. Ngoài ra các chi phí khác như thuê nhân viên, lắp đặt trang thiết bị cũng rẻ hơn nhiều, giúp bạn tiết kiếm được một khoản vốn không nhỏ.
1.6 Tận dụng được chương trình hàng Việt của Chính phủ
Thực tế là mấy năm gần đây Chính phủ đang triển khai các chương trình cổ động người dân dùng hàng Việt Nam nhằm đẩy lùi hàng lậu của Trung Quốc, điển hình như Đưa hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,…
Khi tham gia vào các chương trình này bạn sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc nhập hàng, có thể mua hàng gốc từ nhà sản xuất với giá tốt. Nhờ vậy mà bạn cũng không hề yếu thế trong cuộc đua về giá với các cửa hàng nhỏ lẻ tại nông thôn.
2. Những thách thức khi mở siêu thị mini tại nông thôn
2.1 Thói quen mặc cả khi mua sắm
Dân quê thường hay mặc cả mỗi khi mua hàng ngoài chợ, nhưng khi tới siêu thị mini thì mọi thứ đều đã được niêm yết giá nên thời gian đầu họ sẽ không quen, thậm chí nhiều người còn cho rằng bạn đang ép giá họ. Để tránh tình trạng này thì hãy làm tốt công tác tuyên truyền, cho người tiêu dùng hiểu lợi ích khi công khai giá sản phẩm.
2.3 Trở ngại tâm lý khi mua hàng siêu thị
Người tiêu dùng ở nông thôn khi đi mua hàng ở siêu thị thường thói quen vào hỏi chủ cửa hàng và được đưa hàng mà không cần tìm; thói quen không cần vào cửa hàng và mua hàng nhanh chóng.
Một trong những lý do khiến người tiêu dùng nông thôn ít mua hàng ở siêu thị là vì họ nghĩ sản phẩm tại đây sẽ có giá cao hơn đồ mua ngoài tiệm tạp hóa hoặc chợ truyền thống.
Nhưng thực tế nhờ nhập hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất, không qua trung gian nên hiện nay giá bán của siêu thị mini đôi khi còn rẻ hơn các cửa hàng bán lẻ bên ngoài. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải phá vỡ rào cản tâm lý này cho người tiêu dùng bằng các chương trình quảng cáo, khuyến mãi được tổ chức thường xuyên.
2.4 Tiện ích khi mua hàng tại chợ đan xen tạp hóa
Mô hình siêu thị mini khá hạn chế trong việc bán hàng tươi sống nhóm rau củ quả, bên cạnh thói quen không thích thịt mát, thịt đông lạnh khiến khách hàng dễ lựa chọn một cửa hàng tạp hóa cạnh chợ để mua một vài sản phẩm thông dụng hơn. Đây là một vấn đề hóc búa cho các siêu thị mini tại nông thôn khi không có được sự điều hướng mua hàng từ khách hàng.
3. Mô hình siêu thị mini ở nông thôn
3.1 Siêu thị mini chỉ bán hàng tiêu dùng phổ thông
Mô hình này không khác mấy tạp hóa, các sản phẩm trong siêu thị không quá đặc sắc nhưng thiết yếu và tạo niềm tin tiêu dùng cho khách hàng từ thương hiệu sản phẩm thông dụng. Trong siêu thị bán các sản phẩm đã có thương hiệu đối với người tiêu dùng, những sản phẩm này đã có thói quen tiêu dùng định hình nên mô hình này nắm bắt khá nhanh khách hàng.
Ưu điểm của mô hình là phổ thông, dễ tiếp cận, sản phẩm phong phú, đại trà và lượng khách hàng lớn. Việc một siêu thị mini khai trương với các sản phẩm thông dụng không quá hào hứng với khách hàng nhưng về lâu dài, các mặt hàng này sẽ được khách hàng chấp nhận mua tại siêu thị do các đặc điểm tối ưu của siêu thị so với cửa hàng tạp hóa.
Nhược điểm là ít đặc sắc, không có điểm nhấn để thu hút khách hàng. Mô hình siêu thị mini này đều đều như các cửa hàng tạp hóa khác, và việc cạnh tranh thực sự khốc liệt nếu bạn không có một chiến lược xây dựng thương hiệu cùng với marketing hợp lý ồ ạt. Nên nhớ rằng thói quen của khách hàng khi ghé qua một cửa hàng mua một vài sản phẩm thân thuộc rất khó bỏ.
3.2 Siêu thị mini bán cả hàng nhập khẩu với tỉ lệ ít
Mô hình này được ưa chuộng do có điểm nhấn của những sản phẩm khác biệt và vẫn có thể duy trì được một lượng khách hàng phổ thông lớn. Việc điểm vào những mặt hàng nhập khẩu khiến khách hàng có cảm giác khám phá được những điều thú vị mới tại siêu thị của bạn hơn là những cửa hàng tạp hóa xung quanh.
Tạo ra một sự hứng thú bất ngờ khi đi mua sắm cũng giúp cho khách hàng yêu thích đến cửa hàng hơn, và mạnh hơn nữa, nếu khách hàng thích sử dụng các sản phẩm nhập khẩu đặc trưng đó, việc họ mua nhưng sản phẩm thông dụng từ siêu thị của bạn sẽ trở thành thói quen khó bỏ.
Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là có thể điều chỉnh đơn giản để phù hợp với nhu cầu khách hàng theo vùng miền. Sau thời gian bắt đầu kinh doanh, với những số liệu báo cáo, bạn có thể đơn giản tăng hoặc giảm tỉ lệ hàng phổ thông/ hàng đặc thù trong siêu thị của bạn nhằm tạo ra sự thỏa mãn tốt nhất đối với khách hàng về những dòng sản phẩm bạn cung cấp. Bên cạnh đó, mô hình này vẫn giữ được những đặc trưng của hàng hóa đặc thù mà chỉ bạn có trong vùng.
Nhược điểm của mô hình này chính là những sản phẩm đặc thù, những sản phẩm này khó tìm nguồn nhập hàng, và nếu bạn nhập một mình thì luôn là bất lợi cho việc cân đối nguồn vốn, giá nhập, tồn kho của sản phẩm đó. Nếu không kiểm soát tốt siêu thị của bạn sẽ bị rơi vào khủng hoảng tồn kho vượt trội cho một line sản phẩm và từ đó hoạch định tồn kho bị trôi về những sản phẩm tồn kho cao khó xử lý.
3.3 Siêu thị mini chủ yếu bán hàng nhập khẩu
Đây là mô hình phức tạp và đặc thù đối với các vùng nông thôn, mô hình này sẽ để lại ấn tượng mạnh khi xây dựng thương hiệu của siêu thị và thu hút khách hàng tò mò nhiều hơn. Tuy nhiên nên nhớ rằng nhu cầu khách hàng tại một khu vực với một nhóm sản phẩm chưa xác định luôn là rủi ro đối với người bán hàng.
Mô hình này có một ưu điểm vượt trội trong thời điểm hiện tại là xu hướng tìm các mặt hàng nhập khẩu giá vừa tầm để tiêu dùng của người dân nông thôn đang rất cao do tâm lý hàng nhập khẩu tốt hơn.
Với ưu điểm gần như duy nhất đó, mô hình này được đặt lên bàn cân với vô vàn nhược điểm trong đó nhược điểm lớn nhất là rủi ro cao khi hàng nhập khẩu ít được hỗ trợ về marketing cũng như khó kiếm khách hàng do trở ngại về tâm lý tiêu dùng thử.
Sẽ thế nào nếu khác hàng mua bột giặt của bạn một lần rồi phản hồi rằng nó không tốt bằng Omo? Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, việc sản phẩm tốt hay không, phù hợp hay không bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý ngẫu hứng của khách hàng, và chỉ cần một lần vào một thời điểm không thích hợp là nhóm sản phẩm bị quay lưng, từ chối.
Bên cạnh đó, lựa chọn không bán các sản phẩm phổ thông có thể khiến thói quen mua hàng của khách hàng đối với siêu thị của bạn giảm đi đáng kể, và khách hàng chỉ đến siêu thị của bạn với tần suất thấp hơn nhiều lần so với việc đến các cửa hàng tạp hóa xung quanh, nó giống như một lần đi mua hàng cần sắp xếp nhiều hơn là tiện dụng.
4. Kinh nghiệm mở siêu thị mini ở quê
4.1 Cách trang trí, sắp xếp hàng hóa
Đối với một cửa hàng, sắp xếp và trang trí hàng hóa rất quan trọng, nó là bộ mặt của cửa hàng và là ấn tượng đầu tiên của khách hàng ngay cả trước khi quyết định bước chân vào cửa hàng hay không. Cách sắp xếp và bài trí hàng hóa có những nguyên tắc cơ bản như phân theo khu vực, nhóm hàng, phân theo chủng loại và giá cả….
Xem thêm: Cách trưng bày hàng hóa đẹp cho siêu thị mini tăng gấp đôi doanh thu
4.2 Nhà cung cấp
Khi bạn quyết định mở một siêu thị mini, nhà cung cấp là bên bạn cần nghĩ tới đầu tiên. Với quy mô và mức nhập hàng dự tính của bạn thì sẽ chọn loại hình nào để nhập hàng: nhập trực tiếp từ nhà phân phối, nhập qua đại lý hay nhập từ chợ buôn. Với mỗi loại hình nhà cung cấp, bạn sẽ có mức giá tối ưu dành cho lượng hàng nhập của mình.
Sự lựa chọn nhà cung cấp cũng ảnh hưởng nhiều bởi việc vận chuyển hàng hóa từ kho nhà cung cấp tới kho siêu thị của bạn. Không phải nhà cung cấp nào cũng có thể giao hàng tận kho của siêu thị với giá rẻ. Nhà cung cấp bạn lựa chọn cũng cần có uy tín trên thị trường để đảm bảo đầu vào hàng hóa của bạn có được chất lượng đảm bảo siêu thị của bạn tránh được các rủi ro liên quan đến hàng hóa.
4.3 Kiểm soát hàng tồn kho
Hàng tồn kho có các quy định bắt buộc khi được bảo quản trong kho, và các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc siêu thị thực hiện các quy định này: như hàng phải kê lên kệ cách sàn 20cm, cách tường 20cm, cách trần 20cm, hàng thực phẩm không được để chung với khu vực hàng hóa mỹ phẩm, việc trưng bày hàng tại siêu thị cũng có những quy định phải tuân thủ như nhà vệ sinh không được hướng vào hàng thực phẩm. Nhiệt độ bảo quản hàng hóa và các nguyên tắc nhập xuất hàng cũng cần được chú ý thường xuyên nhằm đảm bảo siêu thị tránh được việc hư hỏng sản phẩm tốt nhất.
4.4 Định hình những sản phẩm sẽ bán
Thông thường, khi quyết định mở siêu thị mini, chúng ta thường đi xem các cửa hàng trong khu vực bán gì, mình có các sản phẩm gì khác biệt rồi từ đó quyết định xem nên bán gì và nhập hàng.
Tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn nên có một danh sách rất chi tiết phân theo nhóm hàng và độ mạnh thương hiệu của các sản phẩm. Do việc nhập hàng của siêu thị khó nhỏ hơn quy cách thùng nên nếu không tính kỹ bạn sẽ hết tiền nhập hàng trước khi nhập đủ những gì mình nghĩ.
4.5 Giá bán sản phẩm
Giá bán sản phẩm là một vấn đề phức tạp của các siêu thị, thông thường có 3 cách định giá là định giá theo thị trường, định giá theo chi phí và định giá theo tâm lý khách hàng. Với một siêu thị mini, việc định giá như thế nào ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại của siêu thị.
Giá bán tại siêu thị có thể cao hơn một chút so với cửa hàng tạp hóa nhưng liệu giá đó có đủ để chi phí cho siêu thị không? Sự lựa chọn hình thức định giá sẽ giúp bạn có một góc nhìn tốt hơn về mức giá siêu thị có thể đặt ra nhằm phù hợp với khách hàng trong khu vực.
4.6 Nhân sự
Nhân sự cho siêu thị là một phần tất yếu, thông thường các siêu thị sẽ có tối thiểu 2 nhân sự gồm 1 nhân viên thu ngân và 1 nhân viên bán hàng, đảm bảo rằng khách hàng luôn được thực hiện quy trình mua hàng đều đặn không ngắt quãng.
Tuy vậy đây là một chi phí lớn đối với các siêu thị mini và việc cân đối số lượng nhân sự với doanh thu bán hàng luôn là bài toán khó đối với chủ siêu thị. Một gợi ý để giải quyết những vấn đề khó khăn cho bạn đó là sử dụng phần mềm quản lý bán hàng.
4.7 Vận chuyển hàng hóa
Với khu vực làng xã, bạn có thể mở thêm dịch vụ gia tăng là chuyển hàng đến tận nhà. Dịch vụ này sẽ giúp bạn có mối quan hệ tốt hơn với những khách hàng tiêu dùng lớn. Đảm bảo hơn cho doanh số của siêu thị với những đơn hàng từ những khách hàng thân quen.