Starbucks là một thương hiệu cafe nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều gì làm nên sự thành công của thương hiệu này? Chiến lược kinh doanh của Starbucks có gì đặc biệt? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Đôi nét về thương hiệu Starbucks
Starbucks là một thương hiệu cafe nổi tiếng có trụ sở chính ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ và hơn 30.000 địa điểm bán lẻ trên toàn cầu tại 75 quốc gia trên thế giới với sức mệnh: “Truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần con người - mỗi người, mỗi ly cà phê và mỗi vùng dân cư tại một thời điểm.”
Lấy cảm hứng từ Alfred Peet, người sáng lập hãng Peet’s Coffee & Tea, những người chủ sáng lập Starbucks ban đầu mua hạt cà phê xanh từ Peet’s. Một thời gian sau, quán chuyển về số 1912 Pike Place, họ cũng bắt đầu mua cà phê hạt trực tiếp từ các nông trại.
Ra mắt vào năm 1971 tại thành phố Seattle – Hoa Kỳ, thương hiệu này đã thay đổi cách thưởng thức cà phê của thế giới bên ngoài gia đình và nơi làm việc. Starbucks nhận trách nhiệm sáng tạo ra khái niệm về địa điểm thứ ba giữa nhà và nơi làm việc, nơi mọi người có thể sống chậm lại để cùng thưởng thức một tách cà phê và thật chill trong bầu không khi ấm áp.
Vào ngày 3/4/2017, Kevin Johnson tiếp quản quyền lãnh đạo từ cựu Giám đốc điều hành của Starbucks, Howard Schultz. Kevin Johnson phục vụ công ty trong ban giám đốc từ năm 2009 và trở thành CEO của Starbucks từ năm 2015. Khi Kevin Johnson là Giám đốc điều hành, công ty đã thực hiện thành công các kế hoạch chiến lược kinh doanh của mình.
2. Mô hình SWOT của Starbucks
Đối với Starbucks Coffee, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của thương hiệu này có thể được phân tích như sau.
2.1 Điểm mạnh (Strengths)
Thương hiệu nổi tiếng
Điểm mạnh đầu tiên của Starbucks phải kể đến thế mạnh về thương hiệu. Starbucks có một giá trị thương hiệu được đánh giá cao với vị cà phê được nhiều người yêu thích.
Vào năm 2019, Starbucks có giá trị thương hiệu là 11,7 tỷ đô la theo xếp hạng của Interbrand. Số lượng cửa hàng của Starbucks tăng nhanh qua các năm.
Nguồn đầu tư tài chính ổn định
Starbucks là tập đoàn có nền tảng tài chính cực kỳ vững chắc. Trong năm 2020, Starbucks đạt doanh thu hàng năm khoảng 26,5 tỷ đô la và lợi nhuận khoảng 3,6 tỷ đô la.
2.2 Điểm yếu (Weaknesses)
Một số những điểm yếu chính trong mô hình SWOT của Starbucks có thể được kể đến như sau:
Mức giá không cạnh tranh
Đồ uống của Starbucks thường có giá cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. Trong quá khứ, khi các cửa hàng cà phê còn ít, đồ uống của Starbucks được coi là đồ uống của thương hiệu “sang chảnh” và Starbucks cũng đã dồn hết tiềm lực để nâng cao chất lượng cà phê cho phù hợp với giá cả.
Tuy nhiên, khi các cửa hàng cà phê xuất hiện nhiều hơn thì việc định giá sản phẩm cao cấp lại là một điểm yếu của Starbucks.
Sản phẩm thiếu sự độc đáo
Mặc dù đã ra mắt công chúng được một thời gian dài với thực đơn đồ uống đa dạng nhưng sản phẩm của Starbucks vẫn bị đánh giá là thiếu tính độc đáo. Starbucks không sở hữu sản phẩm độc nhất nào để khiến thương hiệu có một điểm mạnh nổi bật về sản phẩm.
2.3 Cơ hội (Opportunities)
Sự phổ biến của mạng xã hội
Hiện nay, hầu hết khách hàng của doanh nghiệp đều truy cập Internet và sử dụng các nền tảng mạng xã hội (Social Media) hàng ngày. Theo như thống kê của trang Statista.com năm 2020 cho thấy, mọi người trung bình dành 135 phút mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.
Trong những năm gần đây, Starbucks đã bắt đầu đầu tư vào quảng cáo online có trả phí, hoạt động sôi nổi hơn trên mạng xã hội để tiếp cận đến một số lượng lớn khách hàng tiềm năng của mình. Sự phổ biến của mạng xã hội sẽ tạo cơ hội để Starbucks thu hút khách hàng và tăng mức độ nhận diện thương hiệu của mình.
Chắc hẳn, bạn chưa quên cú bắt tay giữa Starbucks và MoMo làm dậy sóng các nền tảng mạng xã hội. Vào ngày 6/9/2022 vừa qua, 3 bài đăng chỉ vỏn vẹn 3 icon tim hồng, xanh, đỏ đến từ các thương hiệu Starbucks, MoMo và Highland nhưng đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng tạo nên chuỗi nội dung bắt trend "tung hứng" khá nhịp nhàng giữa các fanpage với lượng người follower đông đảo.
Nhu cầu lớn ở thị trường đang phát triển
Tại các quốc gia đang phát triển, việc xây dựng nền móng cho thương hiệu có thể sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, nhu cầu giao lưu của khách hàng địa phương ngày càng tăng cao, đặt nền móng cho việc mở rộng thêm cửa hàng của Starbucks.
2.4 Thách thức (Threats)
Bên cạnh cơ hội thì Starbucks cũng cần đối mặt với một số những thách thức. Các thách thức chính trong phân tích SWOT của Starbucks có thể được liệt kê như sau:
Mức độ cạnh tranh cao
Nhiều đối thủ của Starbucks sẵn sàng giảm giá để thu hút khách hàng, chính vì vậy đây sẽ là yếu tố đe dọa sự ổn định trong tương lai của Starbucks. Với mức giá cao, Starbucks sẽ gặp thách thức trong việc thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình thay vì sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Suy thoái kinh tế
Trong các đợt suy thoái kinh tế trước, doanh thu và lợi nhuận của Starbucks đã giảm mạnh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người tiêu dùng khắt khe hơn trong việc chi tiêu và cắt giảm các nhu cầu giải trí. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu và lợi nhuận của Starbucks cũng như các thương hiệu cafe khác.
3. Phân tích chiến lược kinh doanh của Starbucks
Để trở thành một trong những thương hiệu về cafe hàng đầu trên thế giới, Starbucks đã có những chiến lược kinh doanh vô cùng hiệu quả.
3.1 Triết lý kinh doanh của Starbucks
Triết lý kinh doanh của Starbucks là nhấn mạnh vào một địa điểm đến quan trọng thứ 3, chỉ đứng sau nơi ở và nơi làm việc trong cuộc sống của mỗi người. Quản lý chi nhánh tại Mỹ của thương hiệu Starbucks từng chia sẻ: “Chúng tôi muốn cung cấp mọi thứ thoải mái nhất như ở nhà và cơ quan của bạn. Tại đây, bạn hoàn toàn có thể ngồi vào một cái ghế đẹp, nói chuyện tán gẫu với bạn bè, ngắm nhìn đường phố qua những khung cửa sổ, lướt web,... và thưởng thức một ly cafe tuyệt hảo.”
Ngoài ra, Starbucks còn nỗ lực trở thành một công ty có trách nhiệm và đạo đức kinh doanh. Điều này được chứng tỏ thông qua các kế hoạch thu mua có trách nhiệm, hỗ trợ khoản vay cho người nông dân và các chương trình bảo tồn rừng cũng như tạo ra cơ hội giáo dục, đào tạo và việc làm.
3.2 Mục tiêu chiến lược kinh doanh của Starbucks
Starbucks đưa ra 3 mục tiêu chính trong chiến lược kinh doanh, bao gồm:
- Mục tiêu quan trọng nhất của Starbucks là duy trì hình ảnh về một thương hiệu nổi tiếng và được kỳ vọng hàng đầu thế giới.
- Trong nỗ lực tăng trưởng thông qua mở rộng kinh doanh tại các thị trường mới, Starbucks không quên mục tiêu duy trì bản sắc thương hiệu thông qua giữ gìn các sản phẩm truyền thống, duy trì những trải nghiệm khác biệt mà cửa hàng của họ đã và đang mang lại cho khách.
- Starbucks muốn trở thành một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và cam kết các vấn đề xã hội.
3.3 Lợi thế cạnh tranh của Starbucks
- Sản phẩm luôn đạt chất lượng cao: Một trong những chiến lược kinh doanh của Starbucks là khác biệt hóa sản phẩm. Theo đó, gã khổng lồ chuỗi cà phê tập trung vào chất lượng sản phẩm của mình và khách hàng trả giá xứng đáng cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao. Dịch vụ khách hàng xuất sắc là một trong những nguồn lợi thế cạnh tranh vững chắc của Starbucks.
- Cân bằng giữa lợi nhuận và đạo đức kinh doanh: Bên cạnh việc tập trung vào kinh doanh để gia tăng lợi nhuận, Starbucks cũng chú trọng vào những hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường. Thương hiệu này đã có những tuyên bố về sứ mệnh bảo vệ môi trường của mình:
- Phấn đấu mua, bán và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Nhận thấy trách nhiệm về tài chính là cần thiết cho tương lai môi trường
- Đưa trách nhiệm về môi trường thành giá trị của công ty.
- Khuyến khích tất cả cộng sự tham gia vào sứ mệnh bảo vệ môi trường.
- Chuỗi cung ứng toàn cầu: Starbucks được biết là có chuỗi cung ứng quốc tế rộng khắp toàn cầu. Starbucks cung cấp hạt cà phê của mình từ ba khu vực sản xuất cà phê là Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á -Thái bình dương.
Chuỗi cung ứng cà phê rộng khắp của Starbucks góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức mạnh cho thương hiệu này khi các hoạt động buôn bán và sản xuất của Starbucks đều có hậu phương vững chắc về nguồn đầu vào cà phê.
3.4 Tích hợp công nghệ vào các quy trình kinh doanh khác nhau
Chuỗi cà phê Starbucks đạt được giá trị gia tăng liên quan đến công nghệ thông qua việc tích hợp công nghệ vào một loạt các quy trình và thủ tục kinh doanh như phát triển sản phẩm mới, truyền đạt thông điệp tiếp thị, app bán hàng và theo dõi mức độ hài lòng của khách hàng.
Đáng chú ý nhất cho việc tạo ra giá trị thông qua tích hợp công nghệ của Starbucks bao gồm việc ra mắt tính năng Đặt hàng & Thanh toán trên thiết bị di động, cho phép khách hàng mua hàng mà không cần xếp hàng, ra mắt ứng dụng đặt hàng bằng giọng nói và gửi thông báo bằng tin nhắn văn bản cho khách hàng ở khu vực Seattle khi đơn đặt hàng di động của họ đã sẵn sàng.
Có thể nói, chiến lược kinh doanh của Starbucks là một case-study điển hình để các chủ quán cafe học hỏi và triển khai cho quán của mình. Chúc các bạn kinh doanh thành công!