Đi chùa cầu tài cầu lộc từ lâu đã trở thành nét văn hoá truyền thống của dân tộc mỗi dịp tết đến xuân về. Mọi người đều tin rằng, đầu năm càng suôn sẻ, sắm lễ càng thành tâm cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, mọi việc hanh thông. Vậy cầu tài lộc đi chùa nào? Tất cả sẽ được Sapo Blog giải đáp trong bài viết sau đây.
1. Đền Bà Chúa kho - Bắc Ninh
Nếu bạn chưa biết cầu tài lộc đi chùa nào thì Đền Bà Chúa kho tại Cô Mễ, xã Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh là một địa chỉ tâm linh vô cùng nổi tiếng mà bạn có thể ghé thăm đầu năm.
Tương truyền, đền thờ Bà Chúa kho Bắc Ninh thờ một người phụ nữ thời nhà Lý, bà là người đã có công rất lớn trong việc sản xuất và trông coi lương thực trong cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.
Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân đã lập đền thờ ngay tại kho lương thực cũ (nay gọi là núi kho) và tôn kính gọi là Bà Chúa Kho. Ngày giỗ của bà vào ngày 12 tháng Giêng năm 1077.
Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân từ tứ phương lại nô nức về đây xin lộc rơi lộc vãi của Chúa, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán. Hầu hết mọi người sẽ xin tài xin lộc Bà, xin Bà Chúa mở kho vàng kho bạc để cả năm buôn bán thuận lợi, làm đâu thắng đấy.
Sắm lễ cầu tài lộc tại đền Bà Chúa Kho mọi người sẽ cần chuẩn bị 3 mâm lễ gồm:
- Lễ chay cúng Chư Phật, Chư Bồ Tát: Hoa quả, bánh, oản, trà…
- Lễ mặn cúng các ban bệ: Xôi, gà luộc, thịt luộc, chè hoa cau…
- Lễ đồ sống để lễ Quan Ngũ Hổ: Trứng gà sống, gạo, muối trắng…
Ngoài ra, khi đi lễ cầu tài lộc tại Đền Bà Chúa Kho, bạn cũng nên chuẩn bị giấy tiền vàng, đô la, tiền xu, tháp vàng, tháp bạc…để dâng lên Bà Chúa kho để Bà linh ứng ban tài phát lộc cho cả năm thuận lợi.
2. Đền Trần - Nam Định
Điểm đến tâm linh tiếp theo bạn không thể bỏ qua trong danh sách cầu tài lộc đi chùa nào chính là quần thể di tích Đền Trần tại xã Mỹ Lộc, cách trung tâm Thành Phố Nam Định khoảng 4km.
Tại đây thờ 13 vị vua nhà Trần cùng tất cả các vương công, công chúa, văn võ bá quan những người đã có công trong việc phát triển triều Trần hưng thịnh.
Đền Trần nổi tiếng là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất miền Bắc. Đây cũng là nơi du xuân không chỉ của người dân Nam Định mà còn là điểm đến không thể bỏ qua vào mỗi dịp năm mới của người dân cả nước.
Quần thể Đền Trần nổi tiếng vô cùng linh thiêng, xin gì được nấy. Trẻ thì cầu thông minh, tinh tấn, lộc làm lộc ăn, người có tuổi thì xin sức khoẻ, minh mẫn, trường thọ. Đặc biệt với những người muốn thăng quan tiến chức thì việc đến Đền Trần xin khấn gần như đã trở thành thông lệ không thể bỏ qua.
Vào đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần sẽ tổ chức lễ hội khai ấn đầu xuân. Mọi người khắp nơi tin rằng, nếu may mắn có được ấn được đóng triện đỏ nhà Trần vào dịp năm mới cả năm sẽ hanh thông, tài lộc công danh nô nức tấn tới.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghé thăm quần thể di tích Đền Trần vào dịp tháng 8 âm lịch. Vào ngày 20 tháng 8 hàng năm tại Đền Bảo Lộc (thuộc di tích Đền Trần) sẽ mở hội tưởng niệm ngày giỗ của vị tướng lỗi lạc Trần Hưng Đạo và bạn cũng có thể cầu tài lộc tại thời điểm này cũng vô cùng linh ứng.
3. Phủ Tây Hồ - Hà Nội
Nếu Bắc Ninh có Đền Bà Chúa kho, Nam Định có quần thể Đền Trần linh thiêng thì người dân Thủ Đô cũng có một ngôi chùa cầu tài lộc vô cùng nổi tiếng chính là Phủ Tây Hồ tại 52 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Phủ Tây Hồ có gian chính điện thờ Mẫu Liễu Hạnh một trong tứ bất tử dân gian Việt Nam, bên cạnh là đền thờ ban Sơn Trang gồm Chúa Sơn Trang, Bát bộ Sơn trang, thập nhị Tiên Nàng…cùng các vị chư Tiên chư Thánh.
Thông thường, người dân Thủ Đô sẽ đến lễ Phủ Tây Hồ từ ngày mùng 1,2,3…Và không khi du xuân nhộn nhịp này sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Khách thập phương khi đến lễ Phủ thường cầu bình an cho năm mới, cầu cho vận hạn tai qua nạn khỏi, gặp được quý nhân phù hộ. Đặc biệt với người kinh doanh sẽ ghé vào ban Sơn Trang xin lộc đồng ngân đồng xuyến, được mở kho vàng kho bạc, xin trí tuệ anh thông để có những quyết định sáng suốt trong suốt 1 năm.
Đi lễ cầu tài lộc tại Phủ Tây Hồ, bạn cần chuẩn bị mâm lễ như sau;
- Lễ chay: hương thơm, hoa tươi, oản, trái cây, nước lọc, trầu cau…
- Lễ mặn: Thịt heo luộc/ quay, xôi nếp, chả, giò, …
- Lễ sống: Muối trắng, gạo, trứng gà sống, thịt sống (có thể có hoặc không)...
- Lễ lầu cô lầu cậu: Đồ chơi, gương, lược, mũ, snack, nước ngọt…
Có thể bạn quan tâm:
4. Đền Cô Chín Giếng - Thanh Hóa
Đền Cô Chín Giếng có địa chỉ tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đây là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng bậc nhất Xứ Thanh, vang danh bởi sự linh thiêng, cùng rất nhiều giai thoại huyền bí xung quanh ngôi đền này.
Tương truyền, Đền Cô Chín Giếng thờ Cửu Huyền Thiên Nữ - Con gái của Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế. Một lần Cô Chín Giếng đã cứu Chúa Liễu Hạnh Thánh Mẫu thoát khỏi sự truy sát của quân địch, hai người đã kết nghĩa chị em để cảm tạ ơn cứu mạng.
Cách đi chùa cầu tài lộc của khách thập phương khi đến đền Cô Chín Giếng là sắm những mâm vàng mã, cây tiền cây bạc. Và đặc biệt, mọi người sẽ đặt lên mâm hoa tươi hoặc những bộ vàng mã màu hồng tươi (màu áo ngự đồng của Cô Chín Giếng).
Chỉ cần thành tâm, làm nhiều điều thiện, khi bạn đi lễ đền Cô Chín giếng mọi điều ước sẽ đều được linh ứng thành hiện thực. Khi đi lễ cầu tài lộc tại đây, hầu hết mọi người đều kết hợp cầu công danh, sự nghiệp thăng tiến, làm ăn buôn bán phát tài phát lộc, cầu gì được nấy, cầu con được con cầu của được của.
5. Đền ông Hoàng Mười - Nghệ An
Điểm đến tiếp theo trong danh sách cầu tài lộc đi chùa nào đó chính là Đền Ông Hoàng Mười tại Xuân Am, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mọi người ở nơi đây hay gọi bằng một cái tên khác là Mỏ Hạc Linh Từ.
Đền Ông Hoàng Mười thờ các Phúc Thần như: Mẫu Liễu Hạnh, Tứ Phủ công đồng cùng Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung…
Tương truyền, Ông Hoàng Mười xưa kia làm quan dưới thời Vua Lê. Trong một lần đi thuyền trên sông Hồng Lĩnh, thuyền không may bị chìm và ông đã hy sinh. Vì quá tiếc thương một vị quan tài ba, người dân đã lập đền thờ ngay nơi ông nằm xuống và suy tôn ông là ông Hoàng Mười.
Từ đó đến nay, người dân truyền tai nhau vì sự linh ứng của Đền ông Hoàng Mười vậy nên nhất là dịp đầu năm, người dân khắp nơi đổ về đây đảnh lễ. Thường khi đến Đền ông Hoàng Mười mọi người sẽ xin công danh, tiền tài, tình duyên và sắm lễ cầu tài lộc, làm sớ cầu bình an cho năm mới.
Xem thêm: Những ngôi chùa, đền cầu công danh linh thiêng bậc nhất Việt Nam
Trên đây Sapo Blog đã tổng hợp 5 ngôi đền, chùa cầu tài lộc năm mới cho mọi người, đặc biệt là những người kinh doanh. Nếu bạn phân vân cầu tài lộc đi chùa nào, hãy tham khảo 5 địa điểm tâm linh trên. Hãy làm thật nhiều việc thiện để tất cả những mong ước bình an, may mắn sẽ đến với gia đình bạn nhé.