Cách cúng tất niên cuối năm cho chủ kinh doanh một năm an lành, thịnh vượng

Cúng tất niên cuối năm được biết đến như một truyền thống tốt đẹp với ý nghĩa tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ trong suốt năm qua và đón chờ một năm mới với nhiều may mắn, thuận lợi và thịnh vượng hơn.

Vậy đâu là cách cúng tất niên cuối năm đúng cho chủ kinh doanh và làm thế nào để chuẩn bị mâm cúng tất niên cuối năm đúng nghĩa nhất? Sapo hy vọng rằng bài viết này có thể giúp bạn tự thực hiện lễ cúng tất niên cuối năm một cách chính xác và ý nghĩa nhất.

1. Ý nghĩa của mâm cúng tất niên cuối năm

Cùng tất niên cuối năm là một thủ tục có ý nghĩa tích cực, nên gia đình hay các cửa hàng kinh doanh thường làm một mâm cơm nhỏ để tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ và độ trì gia chủ cũng như việc kinh doanh trong suốt một năm qua. Cùng với đó là những hy vọng về một năm mới tràn đầy may mắn, bình an và ăn nên làm ra hơn.

cúng tất niên cuối năm

Mâm cúng tất niên cuối năm mang ý nghĩa tổng kết năm cũ và đón chờ năm mới an lành, thịnh vượng

Việc làm này là một nếp sống tâm linh truyền thống của người Việt, những vật phẩm không cần quá cầu kỳ mà chủ yếu là tấm lòng thành kính của gia chủ. Sau một năm bận rộn và vất vả, lễ cúng tất niên cuối năm sẽ được chuẩn bị và thực hiện vào đêm giao thừa, sau khi cửa hàng đã được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất và đầy đủ để đón chờ một ngày tết ấm cúng.

Cúng tất niên thường được thực hiện vào một trong các ngày cuối cùng của năm âm lịch, không nhất thiết phải đúng ngày cuối cùng mà tùy vào điều kiện của cửa hàng để tổ chức. Theo chuyên gia phong thủy, ngày cúng tất niên đẹp nhất là vào ngày 29 hoặc 30 Tết, bởi đây là thời điểm tốt nhất để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới thật ấm áp. 

2. Chuẩn bị lễ vật

Mâm cúng tất niên cuối năm cho cửa hàng không cần quá cầu kỳ, bạn chỉ cần một mâm cơm với đầy đủ các món mặn, chay thể hiện được sự phong phú trong cuộc sống hàng ngày. Bởi đây không chỉ là mâm cơm để dâng lên các vị thần linh mà còn là cho các thành viên trong cửa hàng hay gia đình cùng thụ lộc và chia sẻ với nhau sau 1 năm đã qua.

lễ tất niên

Mâm lễ cúng tất niên cuối năm không cần quá cầu kỳ nhưng phải đáp ứng đủ những lễ vật quan trọng

Những lễ vật cần chuẩn bị trong lễ cúng tất niên cuối năm cần phải có:

  • Trái cây (Mâm ngũ quả)
  • Hoa tươi
  • Nhang rồng phụng
  • Đèn cầy
  • Gạo, muối
  • Trà, rượu, nước
  • Giấy cúng 
  • Bánh kẹo
  • Trầu cau
  • Chè, xôi, cháo trắng
  • Bánh chưng, chả lụa
  • Gà luộc
  • Ly, chén, đũa, muỗng, bình hoa, lư nhang

Hoa, quả được bày cúng gia tiên phải là đồ tươi, ăn được, đủ chín thay vì đồ giả hay đồ còn xanh. Mâm ngũ quả cũng không nên đặt trước chính giữa bát hương vì sẽ chắn mất trục khi chính mà nên ở phía 2 bên. 

Mâm ngũ quả trong lễ cúng tất niên thường được xem như cách thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới. Vì vậy, việc chuẩn bị mâm ngũ quả đầy đủ là điều vô cùng quan trọng. 

Theo quan niệm của nhiều vùng, mâm ngũ quả với 5 màu sắc sẽ tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phúc lâm môn là: phúc, quý, thọ, khang, ninh

Tùy theo phong tục và thói quen của người dân từng vùng mà mâm ngũ quả cũng có sự khác biệt rõ rệt. Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường bao gồm các loại quả như: 1 nải chuối xanh, bưởi, cam, quýt (quất), táo, roi,...Còn ở phía Nam, mâm ngũ quả thường được lựa chọn với ý nghĩa Cầu - Vừa - Đủ - Xài tương ứng với các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dứa, thanh long,...để hi vọng về một năm mới an lành, buôn may bán đắt.

3. Mâm cúng tất niên cuối năm

Tùy từng địa danh mà mâm cúng sẽ có những vật phẩm khác nhau, thuận theo tục lệ và truyền thống của nơi đó. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tự lựa chọn các món ăn trên mâm cúng cuối năm thay vì bó buộc vào một quy tắc nào đó.

mâm cỗ tất niên

Tùy theo phong tục và thói quen sinh hoạt mà chủ kinh doanh có thể làm mâm cúng cuối năm trong nhà phù hợp 

Mâm cúng miền Bắc thường có: móng giò hầm măng, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, mọc, 1 đĩa xôi hoặc bánh chưng, thịt đông, thịt gà luộc, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối.

Mâm cúng miền Trung thường có: bánh chưng, bánh tét, giò nạc, thịt gà, thịt đông, heo luộc, canh măng, miến và chả ram.

Mâm cúng miền Nam thường gồm: Bánh tét, củ cải ngâm mắm, canh măng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, thịt heo luộc, gỏi tôm thịt, chả giò và củ kiệu.

Mâm cúng nên được đặt ở bên dưới, bàn thờ chính sẽ chỉ để hoa, quả tươi và một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng, không nên cắm đồ hàng mã như cành vàng lá ngọc, tranh gây các trường khí âm bất lợi.

Đọc thêm: Cầu tài lộc đi chùa nào? 5 ngôi chùa cầu tài lộc linh thiêng 

4. Cách bày bàn thờ cúng tất niên cuối năm

Vào những dịp quan trọng vào cuối năm, việc lau dọn bàn thờ Thần Tài trong cửa hàng hay bàn thờ gia tiên và bày biện lễ vật là điều vô cùng quan trọng. Tùy vào tín ngưỡng, truyền thống mà bạn có thể bày theo nhiều cách khác nhau. 

Thông thường, mâm cỗ tất nhiên cần được chuẩn bị 4 bát, 4 đĩa, nếu là cỗ lớn thì là 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát và 8 đĩa. Số lượng có thể tùy thuộc vào quy mô của từng mâm cỗ cúng tất niên cuối năm. Trong mâm cỗ nên có những món nóng và có nước ở giữa mâm cỗ để tránh nguy cơ đổ vỡ. 

Xem thêm: 

5. Bài khấn cúng tất niên cuối năm cho cửa hàng

5.1 Bài cúng tất niên cuối năm chiều 30 Tết

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam mô Đại từ đại bi Quán thế âm Bồ tát

Nam mô Đại từ đại bi Quán thế âm Bồ tát

Nam mô Đại từ đại bi Quán thế âm Bồ tát

Tín chủ con tên là… tại... 

Hôm nay ngày... tháng chạp năm... Âm lịch

Tín chủ con đại diện cho công ty/ cửa hàng... xin được thành tâm sửa biện hương hoa, chuẩn bị đèn nến, hoa trà dâng lên trước án. Qua năm... , chúng con xin được dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho công việc làm ăn của chúng con luôn được suôn sẻ, phát đạt, mọi sự bình an, may mắn. Một năm qua đi chúng con có gì thiếu sót, trần gian mắt thịt không rõ xin được các vị thần linh lượng thứ bỏ qua cho.

Nay con xin được đọc bài cúng Tất niên công ty cuối năm... để thành tâm kính lạy mời các ngài Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vi Tôn Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn Thần, ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần, ngài tiền hậu Địa chủ Tài Thần, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân và các Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Kính lạy các ngài nghe thấu tâm can, chứng giám lòng thành, đáp lễ lời mời, thụ hưởng lễ vật và phù hộ độ trì cho toàn công ty chúng con luôn được bình an, toàn gia an lạc, việc làm ăn luôn được suôn sẻ, hanh thông.

Chúng con lễ bạc lòng thành, trước xin kính lễ tạ ơn, sau cúi xin các vị Chư Thần luôn chứng giám, độ trị phù hộ cho toàn công ty chúng con một năm mới an lành, phát lộc.

A Di Đà Phật!

A Di Đà Phật!

A Di Đà Phật!

5.2 Bài văn khấn gia thần vào ngày tất niên 

Theo tục lệ xưa để lại, vào ngày 30 Tết, ngoài việc cúng gia tiên, để lễ tạ gia tiên qua một năm đã phù hộ độ trì cho con cháu, các gia đình và các công ty, cửa hàng thường làm lễ cúng Gia Thần để tạ chỗ "đất đai" sau một năm làm ăn.

Sắm lễ tùy tâm, cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món đơn giản như xôi, chè, hương, hoa, trầu cau, quả, tiền vàng, trà rượu… Bàn lễ đặt tại sân hoặc hiên nhà và khi cúng lạy ra phía trước nhà:

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân

Con kính lạy ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn Thần

Con kính lạy ngài tiền hậu Địa chủ Tài Thần

Con kính lạy các Tôn Thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là: …………………………………

Tuổi: ………………….........

Ngụ tại: …………

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm ...., tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Qua một năm làm ăn, chúng con xin dâng lễ tạ ơn trên đã phù hộ độ trì cho chúng con mọi sự an lành và may mắn.

Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn Thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính Thần, các vị Tôn Thần cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con, toàn gia an lạc, công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!

5.3 Bài cúng tất niên ngoài trời

Tùy theo quan niệm của từng gia đình, từng vùng mà gia chủ có thể làm 2 mâm cỗ, bài khấn tất niên cuối năm ở trong nhà và ngoài trời. Cỗ cúng trong nhà là để cúng tổ tiên, ông bà và cỗ cúng ngoài trời là cúng Trời, Phật.

Đối với những gia đình làm 2 mâm cỗ cúng ngoài trời và trong nhà thì cần lễ ngoài trời trước, sau đó trở vào để làm lễ cúng trong nhà.

Nam mô A Di Đà Phật ( Ba lần ) 

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Kính lạy :

- Đức đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật .

- Hoàng Thiên hậu Thổ chư vị tôn Thần .

- Ngài Cựu niên Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan

- Ngài đương niên Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.

- Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương .

- Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa . Ngài định Phúc Táo quân . Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn

Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này .

Nay là giờ phút Giao thừa năm Canh Tý

Chúng con là :………………

Ngụ tại :………………….

Phút thiêng Giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, Tam Dương khai Thái, vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái tuế chí đức tôn Thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt . Quan cũ về Triều để khuyết, lưu Phúc, lưu Ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban Tài tiếp Lộc. Nhân buổi tân Xuân, chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cúng trần, dâng lên trước Án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời : Ngài Cựu niên đương cai Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần,

Lý Tào phán quan, Ngài đương niên Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan. Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị đại Vương . Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa. Ngài định Phúc Táo quân. Ngài Phúc Đức chính Thần. Các Ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long mạch tài Thần. Ngài Bản Gia Táo Quân. Các ngày Địa Chúa Long mạch Tôn Thần và tất cả các Thần linh cai quản trong khu vực này. Cúi xin giáng lâm trước Án, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho chúng con: Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Độ cho chúng con mọi duyên thuận lợi, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tháng ngày được hưởng phần lợi lộc. Âm phù -  Dương trợ, sở nguyện tòng tâm. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng.

Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám

Cẩn cáo

Trên đây là cách cúng tất niên cuối năm cho các chủ kinh doanh cửa hàng để luôn may mắn, bình an và làm ăn tấn tới trong năm mới. Sapo Blog hy vọng rằng, những chia sẻ trên có thể giúp bạn chuẩn bị một lễ cúng tất niên cuối năm đủ đầy, thành tâm để dâng lên các vị Thần linh.

Tweet
5/5 (0 vote)
BÀI VIẾT LIÊN QUANBÀI VIẾT LIÊN QUAN
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂMCÓ THỂ BẠN QUAN TÂM