Thành lập doanh nghiệp hay một mô hình kinh doanh là nhu cầu của rất nhiều người trong giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, lựa chọn loại hình kinh doanh thế nào cho phù hợp là điều mà không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết này, Sapo.vn sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ hơn về các loại hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
1. Doanh nghiệp nhà nước
Loại hình kinh doanh này được hiểu là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước giao.
Doanh nghiệp nhà nước là một loại hình có tư cách pháp nhân đầy đủ. Hiện nay, các doanh nghiệp được nhà nước giao cho vốn kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về quản lý sản xuất, chịu trách nhiệm về kinh tế và chịu bù đắp hay hưởng lợi nhuận với mức vốn được cấp đó.
Tự chịu trách nhiệm và bù lỗ hay hưởng lợi nhuận tùy thuộc vào khả năng phát triển là một điểm mới của doanh nghiệp nhà nước so với thời kỳ trước đây. Hiện nay, nhà nước không còn bao cấp như trước mà các doanh nghiệp cần phải tự bù đắp các chi phí, tự trang trải mọi nguồn vốn đồng thời làm tròn nghĩa vụ với nhà nước xã hội như các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp nhà nước tuy không chiếm tỷ trọng lớn về số lượng nhưng có chức năng định hướng nền kinh tế và kiểm soát các lĩnh vực quan trọng, mang tính sống còn của đất nước.
2. Hợp tác xã
Loại hình này được hiểu là một loại hình tổ chức tập thể do các cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân có nhu cầu góp vốn xây dựng góp sức lập ra theo Điều 1 của Luật hợp tác xã năm 2003.
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tự chủ do những người lao động có nhu cầu, có lợi ích chung tự nguyện góp vốn và góp sức lập ra theo quy định pháp luật để phát huy sức mạnh tập thể và từng xã viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần thêm vào việc phát triển kinh tế xã hội.
Không giống với loại hình doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp, cán bộ, công chức được tham gia hợp tác xã với tư cách là xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nhưng không được trực tiếp quản lý, điều hành hợp tác xã.
3. Doanh nghiệp tư nhân
Là doanh nghiệp do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ. Chủ doanh nghiệp có thể tự trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất hoặc thuê người khác thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu.
Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- Loại hình này do một cá nhân làm chủ nên doanh nghiệp sẽ hoàn toàn có thể chủ động trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng cũng như giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.
Nhược điểm của loại hình doanh nghiệp tư nhân:
- Do không có tư cách pháp nhân nên có thể nói mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân là tương đối cao. Chủ doanh nghiệp tư nhân cần phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thay vì giới hạn bằng số vốn đã được đầu tư vào doanh nghiệp.
4. Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là một dạng doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, có ít nhất 2 thành viên hợp danh mà mỗi thành viên lại có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp cũng như phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Có thể có thành viên góp vốn và thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.
Các thành viên hợp danh sẽ có quyền quản lý công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty cũng như liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Các thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ được quy định tại Điều lệ công ty, không được tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Các thành viên hợp danh thì có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.
Ưu điểm của công ty hợp danh
- Đối với chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh, công ty hợp danh sẽ dễ dàng tạo được sự tin cậy của các đối tác kinh doanh. Việc điều hành, quản lý công ty thì không quá phức tạp
Nhược điểm của công ty hợp danh
- Hạn chế của công ty hợp danh là do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý doanh nghiệp nên có nhiều hạn chế đối với thành viên góp vốn
- Thông thường, chỉ áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn như công ty Luật
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào
5. Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH 1 thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu này sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.
Chủ sở hữu cần phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty cần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Trong trường hợp này, chủ sở hữu cần chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Công ty TNHH 1 thành viên được quyền giảm vốn nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu.
Công ty được quyền tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Trong trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty cần thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
Ưu điểm của loại hình kinh doanh Công ty TNHH 1 thành viên:
- Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu.
- Cơ cấu tổ chức công ty đơn giản nhất trong các loại hình doanh nghiệp và chủ sở hữu công ty thì có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty mà không bị chi phối hoặc khó khăn khi đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động của công ty.
- Chủ sở hữu là người phụ trách kế toán của doanh nghiệp mà không cần thuê người khác.
Nhược điểm của loại hình kinh doanh Công ty TNHH 1 thành viên:
- Việc huy động vốn của công ty TNHH bị hạn chế do chỉ có một thành viên và không có quyền phát hành cổ phiếu
- Lương của chủ sở hữu không được tính vào chi phí của doanh nghiệp
6. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên là doanh nghiệp trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân và số ngjt hành viên không vượt quá 50 người.
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty TNHH không được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp.
Ưu điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- Do có tư cách pháp nhân nên các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn.
- Số lượng thành viên công ty TNHH 2 thành viên không nhiều và các thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau nên việc quản lý cũng như điều hành công ty không quá phức tạp.
- Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư cần dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty.
- Khi chuyển nhượng vốn, thành viên chuyển vốn phải kê khai thuế cũng như nộp thuế thu nhập cá nhân, trong trường hợp chuyển nhượng ngang giá góp vốn thì số thuế phải nộp bằng không. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn.
Nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
- Công ty TNHH chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh
- Việc huy động vốn của công ty TNHH 2 thành viên trở lên bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu
7. Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có các loại đặc điểm sau:
Các chủ thể khi tham gia góp vốn thành lập công ty cổ phần được gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức phải có tư cách pháp luật, quyền tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp quy định
Có lượng cổ đông tối thiểu là 3 thành viên và không giới hạn số lượng cổ đông tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào
Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông là người có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo Luật doanh nghiệp quy định. Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn theo luật về chứng khoán quy định. Cơ cấu của Công ty cổ phần phải có bao gồm Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc (TGĐ) và trên 11 cổ đông phải có Ban kiểm soát
Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong các trường hợp sau:
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông
- Công ty đã mua lại cổ phần đã phát hành
- Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn
Ưu điểm của công ty cổ phần
- Chế độ trách nhiệm của công ty cổ phần là TNHH, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro của các cổ đông không cao
- Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt, tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty
- Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần là rất cao thông qua việc phát hành cổ phần chào bán hoặc cổ phiếu ra công chúng, đây chính là đặc điểm riêng có của công ty cổ phần
- Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là tương đối dễ dàng, không cần thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với Sở kế hoạch đầu tư, do đó phạm vi đối tượng được tham gia đông ty cổ phần là rất rộng, ngay cả các cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Nhược điểm của công ty cổ phần
- Việc quản lý và điều hành công ty rất phức tạp do số lượng các cổ đông cụ thể rất lớn, có nhiều người không hề quen biết nhau và thậm chí có thể có cả sự phân hóa thành các nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích
- Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát công ty
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần cũng sẽ phức tạp hơn các loại hình công ty khác do bị những ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt là về chế độ tài chính, kế toán
- Chỉ các cổ đông sáng lập mới hiển thị thông tin trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau không cần thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chỉ cần thực hiện tại nội bộ doanh nghiệp và không được ghi nhận trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp của cơ quan quản lý
- Đối với công ty cổ phần, khi chuyển nhượng cổ đông bị áp thuế thu nhập cá nhân theo chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% dù công ty không có lãi vẫn bị áp mức thuế thu nhập cá nhân này.
Trên đây là các loại hình kinh doanh hiện nay tại Việt Nam. Sapo hy vọng rằng những chia sẻ trên của chúng tôi có thể giúp bạn hiểu rõ hơn và lựa chọn được loại hình kinh doanh phù hợp nhất.
Xem thêm: