Mọi người vẫn thường nói, áp lực tạo ra "kim cương". Theo một số học thuyết cũ, bản tính của con người là lười biếng và luôn đổ lỗi, vì vậy cần phải có người khác hối thúc, tạo áp lực thì chúng ta mới tích cực làm việc. Những nhận xét này thực ra cũng không sai trong một số trường hợp, tuy nhiên nó khá phiến diện và mang ý nghĩa tiêu cực.
Áp lực chỉ phát huy hiệu quả khi cần phải cưỡng chế, còn lúc chúng ta làm theo đam mê và sở thích thì không cần người khác tác động cũng sẽ hăng hái làm việc hơn rất nhiều lần. Cũng vì vậy mà không nên quá lạm dụng áp lực, nó ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của con người, lâu dần tạo cảm giác uể oải, chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào bản thân.
Nhưng thực tế, hầu hết các công việc hiện nay đều tồn tại áp lực, nó là cách để các nhà quản lý khai thác triệt để khả năng của nhân viên, có thể họ sẽ trả công xứng đáng nhưng đôi khi vẫn không bù nổi di chứng mà áp lực để lại. Đây là thực trạng chung nên chúng ta không thể oán trách mà buộc phải tìm tự tìm hướng giải quyết. Hãy cùng Sapo tìm hiểu một số bí quyết giảm áp lực trong công việc với bài viết sau đây.
1. Hãy coi áp lực trong công việc như một thử thách sống còn
Không phải bỗng nhiên người ta nói khi bị đẩy vào ranh giới giữa sự sống và cái chết con người mới bộc lộ hết tiềm lực của bản thân. Vì trong số chúng ta chắc chắn ai cũng có ý chí tồn tại, chỉ cần có thể thì sẽ tìm mọi cách để được sống sót. Dĩ nhiên, việc coi áp lực như một thử thách sống còn không có nghĩa là lấy tính mạng của mình ra đặt cược, đó chỉ là cách nói hình tượng mà thôi.
Bạn chỉ cần nghĩ rằng công việc này bắt buộc phải hoàn thành, nếu không bạn sẽ mất hết tất cả, đó là thử thách cuối cùng dành cho bạn. Khi đã có tín niệm chúng ta sẽ có động lực để làm việc, áp lực trong công việc lúc này chuyển biến thành mục tiêu, mặc dù không thể xua tan cảm giác hối thúc nhưng cũng làm giảm bớt phần nào sự mệt mỏi, uể oải trong bạn.
2. Đây là một cơ hội!
Thông thường những công việc có áp lực cao thì những đãi ngộ sau đó chắc chắn rất hấp dẫn, đây là phương thức quản lý cây roi và củ cà rốt khá phổ biến. Thay vì nghĩ rằng mình bắt buộc phải hoàn thành công việc này như một nghĩa vụ thì hãy coi đây như một cơ hội để được thăng tiến.
Bạn bỏ công sức ra, bạn chăm chỉ làm việc, bạn luôn đạt chỉ tiêu đúng thời hạn, thậm chí còn xuất sắc hơn yêu cầu trước đó thì chắc chắn các sếp cũng nhận ra điều ấy, và nếu họ là một lãnh đạo giỏi, quan tâm đến nhân viên, họ sẽ tăng lương, tặng thưởng, đề bạt hoặc ít nhất là chú ý đào tạo bạn. Cố gắng trèo lên đỉnh núi sẽ thấy được ánh bình minh, sau áp lực là cơ hội, cứ tin tưởng như vậy đi!
3. Tập trung vào công việc, đừng nhìn kết quả
Một trong những cách tạo áp lực trong công việc phổ biến nhất là đề ra mục tiêu “vượt giới hạn” nào đấy rồi bắt buộc phải hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định. Thực tế thì có hơn một nửa trường hợp trong số đó sinh ra cảm giác chán nản rồi chấp nhận buông xuôi, vì họ nhìn vào cái mục tiêu xa vời vợi ấy và thấy rằng dường như mình càng cố gắng lại càng vô vọng hơn.
Thế thì, đừng nhìn vào nó nữa, cứ tập trung vào công việc hiện tại đi đã, cứ cố gắng hết mình để làm thật tốt những thứ phải làm đi đã, còn kết quả tính sau. Có người nói rằng, làm nhưng không hiệu quả thì làm làm gì. Đúng, chưa chắc cố gắng hết sức đã thành công, nhưng không cố gắng cũng đồng nghĩa với việc bạn xác nhận mình thất bại ngay từ đầu rồi.
Thực ra các sếp đề ra mục tiêu cao như vậy nhưng lại coi trọng quá trình hơn kết quả, vì kết quả có thể là sự bùng phát nhất thời còn quá trình mới lâu dài và ổn định.
Tạo ra áp lực trong công việc để bạn thấy rằng là mình vẫn chưa tận dụng hết khả năng của mình mà thôi, chỉ cần cố gắng tập trung vào công việc thì hiệu quả sẽ cải thiện dần dần. Thế nên, hãy làm thật tốt những gì được giao chứ đừng chăm chăm nhìn vào kết quả rồi so sánh hơn thua!
4. Hãy lập một kế hoạch
Trạng thái rối loạn là tác dụng tâm lý tiêu cực rõ rệt nhất mà áp lực mang lại, càng bị dồn nén quá nhiều chúng ta càng dễ mất kiểm soát khiến công việc đã khó khăn càng trở nên tồi tệ hơn. Để không lâm vào tình trạng này hãy lập cho mình một bản kế hoạch ngay khi được bàn giao công việc.
Lúc này bạn sẽ biết cần phải gì và làm như thế nào cho từng giai đoạn, bạn giành thế chủ động chứ không bị công việc chi phối nữa, mà càng bình tĩnh thì bạn càng cho ra những quyết định sáng suốt hơn.
5. Tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát
Như đã nói ở phần 1 của bài viết, trạng thái rối loạn là hậu quả của việc lạm dụng áp lực quá mức, mà biểu hiện dễ thấy nhất là bạn bị mất kiểm soát với khả năng thực hiện công việc của mình. Ví dụ đơn giản như thế này, bạn bị giao cho viết 4 bài nội dung mới 100% trên dưới 1000 từ trong vòng 1 buổi chiều 4 tiếng.
Trung bình 1 tiếng 1 bài viết, chưa kể thời gian nghĩ thì thời gian để viết cũng chiếm gần hết rồi, nó gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Lúc này bạn rất dễ lâm vào trạng thái rối loạn, không biết phải làm sao để hoàn thành yêu cầu nữa, dẫn đến việc càng cố nghĩ bạn càng không thể viết được một câu ra hồn, cuối cùng, 4 tiếng viết được 1 bài đã là may mắn lắm rồi.
Xem thêm:
Trong trường hợp này, thời gian là thứ bạn cần nhất và cũng là thứ bạn không thể kiểm soát, thay vì để ý đến nó thì tại sao bạn không tập trung vào thứ mình có thể chủ động? Đó là khả năng viết, chỉ cần gạt bỏ hết mọi thứ và tập trung vào bài viết thì tôi đảm bảo một buổi chiều bạn có thể viết 1 bài 4 phần trên dưới 4000 chữ.
Tại sao lại là 1 bài? Vì yêu cầu là nội dung mới 100% chứ không phải chủ đề khác nhau 100%, viết một bài cùng chủ đề nhưng chia làm nhiều phần sẽ tiết kiệm thời gian tìm kiếm hơn. Nếu cứ bị thời gian chi phối, liệu rằng bạn có nghĩ được biện pháp này không?
6. Nhớ lại rằng mình đã từng thành công như thế nào
Để đi đến ngay hôm nay chắc chắn bạn đã phải vượt qua vô vàn gian khó rồi, mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách nếu muốn thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì những gì mình làm được. Điển hình như công việc trước mắt, nó quá áp lực và khiến bạn mệt mỏi vì bị cuốn vào vòng xoáy dường như vô cùng vô tận, bạn cảm thấy vượt qua nó dường như là điều không thể sau khi sức lực gần như đã bị rút cạn.
Nhưng hãy nghĩ lại xem, trong quá khứ bạn đã chính phục được bao nhiêu thử thách rồi, bạn hoàn toàn có thể lặp lại một lần nữa thành công đó mà. Hãy cứ tự nhủ mình như vậy, rằng bạn có thể. Cố gắng “lết” đi từng chút cũng có một ngày đến đích mà thôi, chỉ cần bạn không từ bỏ!
Xem thêm: Top 13 việc làm thêm tại nhà online "hốt bạc" không cần vốn nhiều
7. Luôn suy nghĩ tích cực
Điều khiến áp lực trở nên đáng sợ là nó có thể bóp chết toàn bộ niềm tin và nhiệt huyết trong bạn, đây thực sự là thảm họa nếu bạn không thể tìm ra biện pháp khắc phục. Duy trì một cái óc tỉnh táo, một tinh thần lạc quan và một trái tim kiên cường là những hành trang không thể thiếu để vượt qua áp lực.
Những việc suy nghĩ tích cực là rất cần thiết, nó giúp bạn giảm áp lực trong công việc, hạn chế tình trạng rối loạn, giữ vững động lực, giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng. Tập làm quen và yêu thích công việc mình đang làm là một cách, nếu không thì hãy nghĩ về những lợi ích mà bạn sẽ nhận được sau khi hoàn thành công việc này và trong cuộc sống hãy chọn lấy một niềm vui để thấy rằng công việc không phải tất cả.
8. Hãy thư giãn
Áp lực nghĩa là cường độ công việc sẽ rất cao, thời gian thì gấp rút, bạn gần như không còn thời gian để thở. Chúng tôi hiểu điều này, nhưng hãy tập cho mình thói quen thư gian, chia nhỏ quỹ thời gian nghỉ ngơi trước đây để điều hòa áp lực.
Giả sử bạn từng dành 1 tiếng rưỡi để nghỉ trưa, vậy thì hãy rút lại còn 45 phút tính cả thời gian ăn uống và ngủ trưa, còn lại 45 phút chia đều làm 3 lần nghỉ giữa giờ trong buổi sáng, dùng để nghe nhạc, quay sang tán dóc cùng đồng nghiệp hay đơn giản là nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể. Những khoảng nghỉ này tuy ngắn ngủi nhưng sẽ giúp bạn bớt căng thẳng hơn, điều chỉnh tâm lý tốt hơn để bắt đầu các giai đoạn công việc khác.
9. Hãy chậm lại
Thời gian là một thứ khiến người ta chán ghét khi phải đối diện với áp lực trong công việc, vì dường như với khối lượng công việc khổng lồ thì bao lâu cũng là chưa đủ. Thời gian cũng chí là một loại áp lực có khả năng tàn phá tâm trí con người nhanh nhất.
Những lúc bị kim đồng hồ rượt đuổi, tâm lý chung là chúng ta thường cuống quýt hoàn thành những thứ còn dang dở cho kịp thời hạn. Nhưng thực tế là càng cuống bạn lại càng rối, cố gắng sửa chỗ này thì nó lại lỗi chỗ kia do bạn làm không cẩn thận, không xem xét trước sau. Mỗi lần như thế hay rời tay khỏi công việc, bình ổn hơi thở và tâm trí rồi mới tiếp tục, chậm như mà chắc.
Làm chậm lại không có nghĩa là bạn được phép lười biếng, kéo dài hết cái này sang cái khác, mà là việc điều chỉnh nhịp độ công việc, không quá dồn dập khẩn trương dễ xảy ra sai sót khi thực hiện hơn.
10. Hoạt động để xả stress
Quá tập trung vào công việc cũng không phải điều tốt, khi ngồi lâu trong một tư thế sẽ khiến máu lưu thông chậm hơn, các cơ căng cứng, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tuy duy và hiệu suất công việc. Như đã nói trong các phần trước của bài viết, bạn nên bố trí thời gian thư giãn xen kẽ với làm việc, lúc đó bạn có thể nghỉ ngơi tại chỗ hoặc tốt nhất là đứng dậy làm vài động tác vận động chân tay như tập thể dục chẳng hạn.
Nhìn thì có vẻ khôi hài nhưng đó lại là ý tưởng tuyệt vời giúp bạn xả stress nhanh chóng. Các hoạt động kiểu này giúp cả cơ thể được thả lỏng, giảm bớt phần nào cảm giác mệt mỏi và áp lực trong tâm trí.
11. Hãy chia sẻ áp lực trong công việc
Tâm bệnh mới là bệnh khó chữa, dồn nén cảm xúc quá lâu sẽ khiến bạn sinh ra cảm giác u uất, chán nản, mất tự tin vào bản thân. Nhất là trong quãng thời gian phải chịu áp lực công việc, nhiều người đã từng nổi điên, mất kiểm soát bản thân và phải tìm đến các bác sĩ trị liệu tâm lý để giải tỏa.
Chúng tôi đã khuyên bạn nên tìm một niềm vui trong cuộc sống để có những suy nghĩ tích cực, để thấy rằng công việc không phải tất cả, xung quanh ta còn rất nhiều mối quan hệ khác, hãy lựa chọn một người đáng tin để chia sẻ áp lực với họ.
Chia sẻ không mong được giúp đỡ, chỉ là cần trải lòng cho nhẹ bớt gánh nặng mà thôi. Nếu cảm thấy quá ngại ngùng, hãy để những câu chữ thay cho lời nói, để trang nhật kí thay cho người bạn tâm giao mà trút hết tâm sự vào đó. Một ngày nào đó khi nhìn lại bạn sẽ thấy mình thật tài giỏi, vì mọi áp lực đều có thể vượt qua!
12. Hãy tạo ra những thói quen
Hãy tạo cho mình một thói quen trước khi trình bày hoặc thực hiện một điều gì đó. Thói quen này sẽ giúp cho bạn giữ được tập trung, không bị xao nhãng và đưa bạn về ‘vùng quen thuộc’ bằng cách phát ra tín hiệu cho cơ thể bạn biết rằng ‘đã đến lúc thực hiện công việc’. Nhờ vào điều đó bạn sẽ giảm thiểu được khả năng rối loạn, mất kiểm soát khi chịu áp lực cao.
Áp lực trong công việc là một yếu tố không thể thiếu, nhưng di chứng để lại cực kì nặng nề nếu chúng ta không có biện pháp phòng bị và đối phó. Với 12 bí quyết này, hi vọng bạn sẽ giải tỏa được căng thẳng để làm việc hiệu quả hơn!