Cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi nếu doanh nghiệp của bạn muốn tồn tại trên thị trường. Các doanh nghiệp thường cạnh tranh với nhau để tìm kiếm khách hàng, để bán sản phẩm của mình tốt hơn. Tuy nhiên những doanh nghiệp thành công không cần cạnh tranh với các doanh nghiệp khác mà họ có chiến lược dành cho riêng mình - chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng.
1. Khái niệm chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng
Những chiến lược cạnh tranh thông thường là các doanh nghiệp tìm mọi cách để thu hút nhiều khách hàng hơn, tiêu thụ được nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn. Tuy nhiên với chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng thì khách hàng lại chính là những người cạnh tranh với nhau để mua được sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
2. Ví dụ điển hình về chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng
Câu chuyện thành công của nhóm nhạc Nhật Bản AKB48
AKB48 được coi là nhóm nhạc có số thành viên đông nhất tính đến thời điểm hiện tại. Nhóm ra mắt vào năm 2005, là một nhóm nhạc đình đám và đang trở thành hiện tượng âm nhạc của Nhật Bản. AKB48 được tuyển chọn từ 7924 thành viên đăng kí trong độ tuổi trung bình từ 13 đến 24 tuổi. Sau những đợt tuyển chọn khắt khe đã chọn ra được 64 thành viên, đạt kỉ lục GUINNESS WORLD RECORDS là nhóm nhạc có số thành viên đông nhất.
AKB48 là một trong những nhóm nhạc lập kỉ lục với doanh số bán đĩa lớn nhất trên thế giới đặc biệt là tại Nhật Bản với 211 triệu đô doanh thu.
Tại sao doanh số bán đĩa của AKB48 lại đạt kỉ lục như thế? Câu trả lời là họ đã có một chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng rất tuyệt vời. Chiến lược mà nhóm nhạc này đưa ra là để các fan hâm mộ cạnh tranh với nhau. Thông thường mỗi năm AKB48 đều tiến hành bầu cử chọn ra 1 thành viên trong nhóm làm chủ tịch. Trong mỗi CD bán ra đều kèm một phiễu bầu để fan tự do tha hồ bầu chọn cho thành viên mình yêu thích.
Kết quả là cuộc tổng tuyển cử diễn ra vô cùng sôi động. Báo chí đưa tin viết bài rầm rộ khiến hàng triệu fan đua nhau mua đĩa và háo hức chờ đợi kết quả. Chiến lược kinh doanh này đã giúp danh tiếng của AKB48 ngày càng vang xa hơn, doanh số bán đĩa cũng trở nên tăng vọt vì có nhiều fan mua rất nhiều đĩa để thần tượng của mình có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Một câu chuyện khác nữa về người ăn xin thông minh nhất thế giới. Anh ta không đi xin từng người trên phố mà ngồi một chỗ trên vỉa hè với tấm bảng ghi dòng chữ: “Tôn giáo nào là tôn giáo quan tâm nhiều nhất đến người vô gia cư?”. Không cần mở miệng xin xỏ nhưng các tín đồ lại tranh nhau bố thí cho anh ta.
3. Bạn rút ra được bài học gì từ chiến lược cạnh tranh trong 2 câu chuyện trên?
Để thực hiện được chiến lược cạnh tranh dành cho khách hàng đòi hỏi bạn phải thực sự hiểu được tâm lý khách hàng. Khách hàng là người luôn muốn được thể hiện bản thân, bày tỏ ý kiến cá nhân của mình. Doanh nghiệp phải nắm bắt được điều đó và tạo cơ hội cho họ. Chiến lược này sẽ khuyến khích mọi người tham gia và tạo ra phong trào cạnh tranh sôi nổi trong chính cộng đồng khách hàng. Cái mà khách hàng luôn mong muốn nhận được khi mua hàng là giá trị mà món hàng đó mang lại. Hãy tạo ra giá trị thật đặc biệt cho món hàng để kích thích sự cạnh tranh của mỗi khách hàng.
Hãy để khách hàng cạnh tranh với nhau và doanh nghiệp của bạn sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất.